10/09/2021 - 21:06

Nguy cơ IS “trở lại” mạnh mẽ 

Vụ đánh bom liều chết của nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) tại sân bay Kabul (Afghanistan) hồi cuối tháng 8 làm hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ và 28 tay súng Taliban, có thể được coi là lời cảnh báo đối với sự “trở lại” mạnh mẽ của các chân rết IS tại nhiều quốc gia Hồi giáo bất ổn về an ninh. Libya và Iraq là hai nước thuộc nhóm nguy cơ cao.

Trẻ em Libya bên chiếc xe bị IS phá hủy. Ảnh: Getty Images

Trong báo cáo về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu được công bố hồi tháng 7, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một số kết luận đáng báo động. Trong đó, cơ quan này lưu ý rằng Ðông Phi và Tây Phi là những khu vực bị khủng bố tấn công nặng nề nhất trong năm qua, và các nhóm khủng bố ở Iraq và Syria đang nhanh chóng trở thành “lực lượng nổi dậy nguy hiểm”. Tuy nhiên, báo cáo lại không đề cập đến mối đe dọa của IS tại Libya dù chi nhánh của nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới này ở Libya hiện có thể đã sẵn sàng cho sự trở lại.

IS nổi lên ở Libya vào năm 2015, thời điểm lực lượng này tiến hành vụ tấn công đầu tiên nhằm vào khách sạn Corinthia ở thủ đô Tripoli. Vào thời hoàng kim, IS được cho có khoảng 5.000 tay súng hoạt động ở Libya, kiểm soát hơn 125 dặm bờ biển. Chi nhánh IS tại Libya duy trì quan hệ chặt chẽ với giới thủ lĩnh IS trung ương, bằng các hình thức như liên lạc trực tiếp, tài trợ, huấn luyện đặc biệt và cố vấn.

Thành trì lớn nhất của nhánh IS tại Libya là thành phố Sirte, nơi chúng có thể thiết lập hệ thống kiểm soát cho riêng mình. Mặt khác, chúng cũng duy trì các căn cứ ở thành phố Derna và Sabratha, phía Tây Libya. Ngoài lực lượng nòng cốt là các tay súng gốc Libya, chi nhánh IS tại đây cũng tự hào sở hữu một đội ngũ chiến binh ngoại quốc đến từ Tunisia, Ai Cập, Tây Phi, Sudan, thậm chí cả Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, chi nhánh IS tại Libya đã mất quyền kiểm soát Sirte vào năm 2016, suy giảm ảnh hưởng và uy lực kể từ đó, khiến nhiều người xem chúng chỉ là “hổ giấy”.

Song, chính các cuộc giao tranh trong năm 2019 và 2020 giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ Ðoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Sirte và Tripoli đã cho phép IS âm thầm tập hợp lực lượng và mở rộng ảnh hưởng. Thông qua các căn cứ ở sa mạc Sahara hay các mạng lưới ẩn mình ở Sirte, chi nhánh IS tại Libya đã tích trữ vũ khí và gây quỹ hoạt động bằng cách bắt giữ các xe tải nhiên liệu, đánh thuế những kẻ buôn người và buôn lậu vũ khí.

Dù ước tính của quân đội Mỹ hồi năm 2019 cho thấy chi nhánh IS tại Libya chỉ sở hữu chừng 100 tay súng nhưng nhân lực của chúng hiện đang ở con số có thể đủ để thiết lập nhiều trạm kiểm soát xung quanh Sirte. Ðáng lo ngại, hoạt động khủng bố của chúng cũng đang được mở rộng. Mới đây, chi nhánh IS tại Libya tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công hồi tháng 6 nhằm vào một trạm kiểm soát của LNA ở thành phố Sebha. Sau vụ tấn công đó, chúng cho công bố hình ảnh các thành viên ở miền Nam Libya - động thái nhằm cho thấy rằng chúng vẫn đang hoạt động tại khu vực.

Trong khi đó, Iraq gần đây chứng kiến một loạt vụ tấn công liên tiếp nhằm vào lực lượng an ninh và liên quân quốc tế. 5 cảnh sát liên bang đã thiệt mạng do cuộc tấn công của IS ở tỉnh Kirkuk hôm 4-9.

Cùng ngày, một đoàn xe hỗ trợ hậu cần của liên quân quốc tế tại Iraq cũng bị đánh bom khi đang đi trên tuyến cao tốc ở tỉnh Babil, miền Trung nước này.

Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại gia tăng về khả năng các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS, sẽ trỗi dậy trở lại tại Iraq giữa lúc Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi đây vào cuối năm nay.

TRÍ VĂN (Theo Newsweek, Aawsat)

Chia sẻ bài viết