 |
Đụng độ xảy ra trước nơi diễn ra phiên tòa. Ảnh: AFP |
Tòa án dân sự sơ thẩm Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Silivri ngày 5-8 đã kết thúc phiên tòa xét xử “vụ án thế kỷ” bằng việc tuyên án tù đối với 254 người trên tổng số 275 bị cáo, trong đó có tới 19 án chung thân và hàng chục can phạm khác từ 12-35 năm tù giam vì âm mưu ám sát Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và lật đổ chính quyền Hồi giáo bị phát hiện năm 2007.
Trong số những người bị án chung thân có ông Ilker Basbug, cựu tham mưu trưởng quân đội 70 tuổi mới về hưu năm 2010, cựu đại tá hải quân Dursan Cicek cùng nhiều sĩ quan cao cấp, binh sĩ, nhà báo, luật sư, chính trị và nhà xuất bản khác. Nhà báo, đồng thời là nghị sĩ quốc hội của đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập, ông Mustafa Balbey bị 34 năm 8 tháng tù giam.
Bản án được cho là khắt khe chống lại mưu toan lật đổ chính quyền do quân đội đứng đầu, giữa lúc đất nước đang trải qua làn sóng biểu tình đòi chính phủ từ chức vì nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm. Phiên tòa được dư luận đặc biệt chú ý, bởi các nghi phạm không chỉ là các cựu tướng lĩnh hàng đầu, mà còn cả các chính trị gia đối lập, trí thức, viện sĩ và nhà báo bị coi là những thành viên của một “tổ chức khủng bố ngầm” có tên gọi Ergenekon - một thung lũng huyền thoại của nước này.
Cuộc điều tra vụ án Ergenekon bắt đầu từ tháng 6-2007 sau một tin báo mật danh giúp cảnh sát tìm thấy một ngôi nhà hoang thuộc quyền sở hữu của một cựu sĩ quan quân đội ở ngoại ô thành phố Istanbul có chứa chất nổ và lựu đạn bất hợp pháp. Vụ án được mở rộng và chia làm 23 cáo trạng khác nhau với 4 triệu trang hồ sơ. Các công tố cho rằng đây là vật liệu dùng mưu sát ông Erdogan, đánh bom nhà thờ và thủ tiêu các thủ lĩnh phe thiểu số tạo cớ thúc giục quân đội tiến hành đảo chính.
Sau khi vụ án được công bố, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ nói chung ủng hộ việc truy tố những kẻ âm mưu bạo loạn lật đổ trong bối cảnh chính quyền dân sự cần kiểm soát quân đội như là một trong những điều kiện có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn tự cho mình là cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nhà nước thế tục từ thời nhà lập quốc hiện đại Mustafa Kemal Ataturk, đã từng 3 lần đảo chính năm 1960, 1971 và 1980 cũng như gây áp lực buộc chính quyền Hồi giáo đầu tiên phải từ chức năm 1997. Lần đầu tiên lên nắm quyền năm 2002, ông Erdogan và đảng Công lý & Phát triển cũng đã đối mặt với một âm mưu lật đổ, nhưng đã nhanh chóng đập tan với phiên tòa xét xử gần 300 nghi can hồi tháng 9 năm ngoái. Phiên tòa xét xử vụ án có tên Shledgehammer diễn ra giữa lúc ông Erdogan đang chuẩn bị kế hoạch cải cách sâu rộng thiết lập thể chế tổng thống có nhiều quyền lực.
Vì thế, thời gian gần đây, tiếng nói hậu thuẫn xét xử “vụ án thế kỷ” giảm xuống khi có nhiều chỉ trích cho rằng chính quyền Hồi giáo của ông Erdogan ngày càng độc đoán. Như “giọt nước làm tràn ly” khi chính quyền Erdogan kiên quyết triển khai dự án phá công viên tại Istanbul để xây dựng một trung tâm thương mại, tạo ra làn sóng biểu tình, lôi kéo hàng triệu lượt người trên khắp đất nước tham gia từ tháng 6-2013 và gây xung đột đẫm máu. Hiện tại, dòng người biểu tình chỉ mới tạm lắng dịu, nhưng các cuộc đụng độ, trấn áp bằng vòi rồng, hơi cay vẫn xảy ra nhiều nơi.
Trong khi đó, sau “phiên tòa thế kỷ” hôm 5-8, cảnh sát cũng đã dùng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông khoảng 10.000 người biểu tình phản đối bản án. Dư luận lo ngại quốc gia Trung Đông có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này có nguy cơ lâm vào hỗn loạn.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)