09/01/2021 - 07:58

Người phụ nữ biến rác thải thành nệm cho bệnh nhân COVID-19 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà thiết kế thời trang thay đổi việc kinh doanh bằng cách chuyển sang sản xuất khẩu trang vải. Nhưng nhà thiết kế người Ấn Độ Lakshmi Menon lại đi theo một hướng khác - sử dụng những mảnh vải vụn còn sót lại từ việc sản xuất khẩu trang, áo choàng y tế và các loại thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) khác để làm ra những tấm nệm giường đang rất cần thiết cho các bệnh viện chữa trị người nhiễm COVID-19.

Menon bên cạnh một tấm Shayya thành phẩm. Ảnh: The News Minute

Menon bên cạnh một tấm Shayya thành phẩm. Ảnh: The News Minute

Ý tưởng làm nệm giường từ vải vụn đến với Menon hồi tháng 2 năm ngoái, lúc cô tình cờ nhìn thấy một gia đình, bao gồm cả trẻ nhỏ, đang ngủ bên vệ đường. Khi đến thăm một người bạn có xưởng thời trang riêng sau đó vài ngày, Menon nhìn thấy những đống vải vụn với nhiều kích cỡ khác nhau. “Đó là khi tôi nghĩ mình có thể dùng cách thắt dây để làm nệm giường cho người vô gia cư. Phương pháp bện cho phép bạn sử dụng mọi mảnh vải có kích thước khác nhau” - nhà thiết kế 46 tuổi kể lại trên tờ The Guardian của Anh. Theo Menon, nếu bạn có thể tết tóc bím thì cũng có thể làm ra những tấm “Shayya” (một từ tiếng Phạn nghĩa là “nệm giường” mà Menon dùng đặt tên cho sản phẩm tái chế của mình).

Trong vòng 1 tháng, Menon đã làm ra được 20 tấm Shayya và gửi tặng cho những người vô gia cư. Thế nhưng, lệnh phong tỏa toàn quốc ngay sau đó khiến cô phải tạm ngưng mọi hoạt động. Bản thân Menon cũng quên bẵng đi các tấm nệm vải, cho tới khi cô đến thăm xưởng may PPE của một người bạn khác hồi tháng 7-2020 và nhìn thấy hàng núi vải vụn còn sót lại. Menon nhận thấy loại vải vụn này sạch hơn, mềm mại hơn và không chứa bụi bẩn so với vải vụn thông thường, nên là nguyên liệu tốt nhất để làm nệm.

Người bạn của Menon rất vui khi cô thu gom những mảnh vải vụn này, bởi ông cũng không biết làm thế nào để vứt hết chúng đi khi việc đốt hết số lượng vải như thế là điều không được phép. Cùng lúc đó dịch bệnh tăng cao tại bang Kerala, khiến giới chức phải thành lập các trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn bang và gặp khó khăn trong việc cung cấp nệm để phục vụ bệnh nhân. Bởi mỗi lần bệnh nhân xuất viện, nệm phải được thiêu hủy để đảm bảo an toàn y tế.

Giải pháp của Menon là thu thập các mảnh vải vụn còn sót lại sau khi cắt may từ các nhà máy sản xuất PPE. Sau đó, các nữ nhân công sẽ tết chúng thành những lọn giống như sợi dây thừng dài gần 2m. Các sợi dây sau đó được tết theo đường ziczac. Sản phẩm cuối cùng là chiếc nệm giường vừa mềm nhẹ, vừa có thể giặt được, lại đảm bảo vệ sinh với giá thành chỉ 300 rupee (khoảng 4USD).

Đáng chú ý, tất cả lợi nhuận từ việc bán các tấm Shayya được dùng trả lương cho những phụ nữ làm ra chúng. Tính đến nay, nhóm của Menon đã quyên góp được 700 tấm Shayya cho những người vô gia cư, viện dưỡng lão và các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nỗ lực làm nệm từ rác thải PPE của Menon được Liên Hiệp Quốc ghi nhận như là một ý tưởng sáng tạo và dễ dàng được nhân rộng ra toàn cầu. Menon tiết lộ nhiều công ty Ấn Độ đã liên hệ với cô với mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bằng cách thông qua việc sản xuất loại nệm này để mang đến một phương thức tạo thu nhập bền vững mà không cần bất kỳ thiết bị nào, cho phụ nữ nông thôn.

NGUYỆT CÁT (Theo Greenmatters.com)

Chia sẻ bài viết