07/03/2023 - 09:45

Người Nhật có thể học hỏi Israel về an ninh mạng 

MAI QUYÊN

Trong bối cảnh tấn công mạng gia tăng trên toàn cầu, giới quan sát cảnh báo Nhật Bản là một trong những mục tiêu hàng đầu khi tin tặc tìm cách khai thác lỗ hổng hệ thống phòng thủ yếu kém của nước này.

Đơn vị chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mạng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận chung năm ngoái. Ảnh: JMSDF

Đơn vị chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mạng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận chung năm ngoái. Ảnh: JMSDF

Theo công ty an ninh mạng Canada BlackBerry, Mỹ là mục tiêu số 1 của các đợt tấn công trực tuyến trên toàn cầu, tính từ tháng 9-11/2022. Nhật Bản xếp thứ 2 (chiếm 8% trong số 1,76 triệu vụ tấn công mạng). Là nơi hội tụ thông tin và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, không bất ngờ khi Mỹ dẫn đầu danh sách trên. Nhưng với số lượng tấn công mạng nhắm vào Nhật Bản, một quan chức phụ trách an ninh quốc gia thừa nhận rằng sở dĩ họ trở thành mục tiêu là vì các nhóm tin tặc trên khắp thế giới đã nhận ra mức độ yếu kém của hệ thống phòng thủ mạng nước này.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, trong nửa đầu năm 2022, trung bình có 7.800 trường hợp truy cập trái phép được phát hiện hàng ngày và gần như tất cả đều từ nước ngoài. Con số này gấp đôi dữ liệu cả năm 2019. Takashi Matsumoto, phụ trách vấn đề an ninh mạng tại công ty Internet DeNA cho biết: “Tiếng Nhật từng là rào cản chống lại các cuộc tấn công mạng, nhưng lá chắn đó gần như đã biến mất do sự tiến bộ của phần mềm dịch thuật”. Một báo cáo trước đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã xếp Nhật Bản ở cuối bảng xếp hạng, sau khi phân tích khả năng phòng thủ mạng của 15 quốc gia lớn. Hạ tầng an ninh mạng yếu kém của quốc gia Đông Bắc Á trong lĩnh vực công lẫn tư nhân bị cho hạn chế khả năng của Tokyo để phát hiện các đợt tấn công và bảo vệ dữ liệu. Họ cũng thiếu khung pháp lý hỗ trợ các cuộc phản công.

Theo giới chuyên môn, hệ thống phòng thủ mạng yếu kém của Nhật Bản bắt nguồn từ thực tiễn là các đơn vị đều thuê tổ chức bên ngoài để phát triển, quản lý hệ thống an ninh mà không bồi dưỡng chuyên gia nội bộ. DreamArts, nhà cung cấp dịch vụ đám mây có trụ sở tại Tokyo, dẫn một cuộc khảo sát với 1.000 nhân viên an ninh mạng tại các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản cho thấy 80% công ty chưa bao giờ thay đổi nhà cung cấp chính. Còn trong lĩnh vực công, tờ Nikkei cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) chỉ có khoảng 890 nhân viên thuộc đơn vị phòng thủ mạng, so với con số ước tính 175.000 của Trung Quốc và 6.800 trong quân đội CHDCND Triều Tiên.

Nói tóm lại, Nhật Bản hiện không có khả năng phòng thủ mạng đầy đủ để bảo vệ thông tin, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine cho thấy một quốc gia lâm vào xung đột quân sự sẽ phải đối mặt các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, Chính phủ Nhật đề ra kế hoạch tăng số lượng nhân viên an ninh mạng của SDF lên 4.000 người vào cuối năm tài chính 2027. Hồi tháng 1, Tokyo đã lập tổ chức mới trong Ban thư ký nội các để tăng khả năng truy tìm nguồn truy cập đáng ngờ và biện pháp đối phó. Tuy vậy, những giải pháp trên được đánh giá chưa thể đảm bảo an toàn cho không gian mạng của Nhật Bản, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp hoặc chiến tranh.

Nuôi dưỡng tài năng với tấm gương Israel

Tuy dân số chỉ 9,5 triệu người, nhưng năng lực tác chiến trên không gian mạng của Israel được IISS xếp thứ 2 bên cạnh Mỹ. Hiện Israel cũng là quê hương của 12% trong số 500 công ty an ninh mạng hàng đầu thế giới, cao thứ 2 sau Thung lũng Silicon của Mỹ vốn chiếm 32%.

Giáo sư Isaac Ben-Israel, được biết đến như cha đẻ của an ninh mạng Israel, nói rằng thành công của đất nước là nhờ sự hợp tác công - tư trong việc bồi dưỡng nhân tài an ninh mạng. Để làm được điều này, nhà nước đã xây dựng khóa học về mạng tại tất cả trường trung học và biến nó thành môn bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trung học, người xuất sắc được tuyển chọn vào các đơn vị mạng và những vị trí liên quan khác để học hỏi kỹ năng cao hơn. Ở Israel, cả nam và nữ đều phải phục vụ trong quân đội gần 3 năm kể từ khi đủ 18 tuổi. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, một số người chuyển sang khu vực tư nhân để làm việc cho các công ty an ninh mạng.

Trên thế giới hiện có Hàn Quốc xây dựng thành công hệ thống an ninh mạng chuyên nghiệp theo mô hình nuôi dưỡng nguồn nhân lực như Israel. Theo các nhà quan sát, Nhật Bản có thể học hỏi được nhiều điều từ 2 quốc gia này để xây dựng hệ thống phòng thủ mạng vững chắc, đặc biệt khi họ không thiếu người trẻ tài năng về công nghệ.

Chia sẻ bài viết