08/12/2023 - 09:33

Người lớn tuổi Singapore ngày càng cô đơn 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sự cách biệt với xã hội ảnh hưởng đến khoảng 25% số người lớn tuổi trên thế giới. Tại Singapore, tỷ lệ người lớn tuổi phải đối mặt với tình trạng cô độc đó cao hơn rất nhiều - các nghiên cứu gần đây tiết lộ.

Rất nhiều người già ở Singapore hiện sống một mình.

Cụ thể, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục về Lão khoa (CARE) thuộc Trường Y Duke-NUS cho thấy, 40% số người từ 62 tuổi trở lên ở đảo quốc sư tử sống trong cảnh cô đơn. Nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2021 và sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe người gốc Hoa ở Singapore, với sự tham gia của hơn 17.000 người từ 61-96 tuổi, cũng cho thấy những người Hoa lớn tuổi tại Singapore hiện có nguy cơ mất kết nối xã hội cao hơn trước. Nguyên nhân là do quy mô gia đình ngày càng thu hẹp, làm giảm số người thân mà người lớn tuổi có thể tìm đến để được hỗ trợ. Khi người lớn tuổi trở nên già yếu, các mối quan hệ xã hội của họ cũng trở nên hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 càng ảnh hưởng nhiều hơn đến mức độ tương tác xã hội của người lớn tuổi.

Theo dự báo, Singapore sẽ trở thành nước có dân số “siêu già” vào năm 2026, do đó, cô đơn sẽ trở thành mối đe dọa thực sự đối với nhóm dân số lớn tuổi ở nước này. Khi công bố chi tiết chương trình quốc gia Age Well SG hồi trung tuần tháng 11, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cũng cho rằng cô lập xã hội là kẻ thù lớn nhất đối với nhiều người
cao tuổi.

Nhằm giúp họ vượt qua sự cách biệt xã hội và cô đơn, Chính phủ Singapore đang xem xét lại chiến lược hỗ trợ người lớn tuổi hòa nhập xã hội nhiều hơn, tham gia nhiều hoạt động thể chất hơn nhằm trì hoãn hoặc ngăn ngừa tình trạng suy yếu sức khỏe. Trước đó, thị trấn Queenstown - một trong những khu vực dân cư lâu đời nhất ở Singapore - đã được chỉ định làm nơi thí điểm để thử nghiệm các giải pháp tích hợp nhằm nâng cao sức khỏe và phúc lợi của cư dân qua các giai đoạn khác nhau trong đời họ.

ÐINH NHI (Theo Straits Times)

 

Chia sẻ bài viết