20/02/2011 - 09:27

Ngôi sao "gặp hạn"!

Trước sức ép ngày càng gia tăng của công luận xung quanh “nghi án” đạo văn luận án tiến sĩ luật của mình, hôm 18-2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg (ảnh) tuyên bố ông tạm từ bỏ học vị tiến sĩ cho đến khi mọi việc được làm sáng tỏ. Guttenberg một mực khẳng định không có chuyện ông “biến của người thành của mình” trong quá trình làm luận án tiến sĩ mà ông nộp cách đây 5 năm, và cho rằng những cáo buộc đang chĩa vào mình là “lố bịch”. Bộ trưởng Guttenberg tuyên bố ông sẵn sàng kiểm tra lại luận án của mình vì có thể ông đã sơ sót trong việc đặt 1.200 mục chú giải ở cuối trang và sẽ hiệu đính những lỗi đó nếu có.

 

Tuy nhiên, động thái của chính trị gia được đánh giá có khả năng sẽ kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel vẫn không xoa dịu được sự phẫn nộ của giới học thuật, báo giới và công chúng ở đất nước vốn rất tự hào về trình độ học thuật. Tất cả đều cho rằng ông đã đánh mất tài sản quí giá nhất mà không phải chính trị gia nào cũng có được, đó là sự tín nhiệm của đa số công chúng. Báo chí Đức cho rằng những vụ lùm sùm gần đây trong Bộ Quốc phòng Đức chỉ gây khó khăn hoặc nặng một chút là làm sụt giảm uy tín của ông Guttenberg, nhưng vụ xì-căng-đan mang tên Xeroxgate (Xerox là nhãn hiệu máy photocopy nổi tiếng, xerox cũng có nghĩa là sao chép) có khả năng sẽ nhấn chìm sự nghiệp đang phất lên như diều gặp gió của nhà lãnh đạo 39 tuổi này.

Hình ảnh của Bộ trưởng Guttenberg bắt đầu vẫn đục hôm 16-2 sau khi tờ Suddeutsche Zeitung ở bang Bavaria - quê nhà của ông - dẫn lời một giáo sư luật cho rằng phần lớn luận án tiến sĩ của ông được “cắt và dán” từ những bài báo, tạp chí chuyên ngành và bài diễn văn của các chính trị gia mà không trích dẫn nguồn. Giáo sư Andreas Fischer-Lescano của Đại học Bremen phát hiện ra “tẩy” của Bộ trưởng Guttenberg trong lúc chuẩn bị viết bài nhận định về luận án của ông này, vốn đã được in thành sách năm 2009. Theo giáo sư Andreas, một số đoạn trong “tác phẩm” dày 475 trang của “tiến sĩ” Guttenberg, trong đó ông so sánh luật pháp của Liên minh châu Âu và Mỹ được “bê” gần như nguyên xi bài viết trên nhiều tờ báo khác nhau, trong đó có cả báo nước ngoài, mà không hề trích dẫn nguồn.

Ngay lập tức, gần như mọi phương tiện truyền thông ở Đức đều vào cuộc mổ xẻ luận án của ông và họ phát hiện thêm khá nhiều phần thuộc dạng “vay muợn” từ các tác phẩm của các nhóm cố vấn chính trị, các trường đại học và cả sứ quán Mỹ tại Đức. Theo tờ Spiegel, ông Guttenberg thậm chí còn “cắt” một bài viết đăng năm 1997 trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Thụy Sĩ để làm thành 2 đoạn đầu tiên trong luận án của mình. Theo ước tính của các giáo sư luật ở Đức, khoảng 70 phần trong luận án không phải là kết quả lao động trí óc của Bộ trưởng Guttenberg. Trước ngồn ngộn chứng cứ mà dư luận phanh phui, hôm 17-2, Thủ tướng Merkel đã mời Bộ trưởng Guttenberg đến giải trình. Trong khi đó, cơ quan công tố ở Bayreuth cho biết họ đã nhận được 2 đơn kiện ông tội vi phạm luật tác quyền và gian dối. Đại học Bayreuth thì ra thời hạn trong vòng 14 ngày “tiến sĩ” Guttenberg phải giải trình xung quanh những cáo buộc ông đạo văn. Nếu đúng sự thật, Trường Bayreuth có thể buộc ông chỉnh sửa luận án và trong trường hợp xấu nhất có thể tước học vị tiến sĩ của ông.

Nếu điều đó xảy ra, theo phe đối lập ở Đức, tốt hơn hết Guttenberg nên từ chức bởi đạo văn là tội không thể chấp nhận được đối với thường dân huống chi là bộ trưởng. Bình luận về cái “hạn” của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nhật báo Wall Street của Mỹ cho rằng nếu như sự thật đúng như vậy thì đó là lỗi nghiêm trọng bởi học vị tiến sĩ được xem là thành tựu đáng tự hào ở Đức và hầu hết các chính trị gia nặng ký tại nước này đều có học vị tiến sĩ. Chẳng hạn, Thủ tướng Merkel có bằng tiến sĩ vật lý, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaule có bằng tiến sĩ luật.

LONG CHÂU

(Theo DW, WSJ, The Local, Spiegel)

Chia sẻ bài viết