07/06/2023 - 19:46

Ngoại trưởng Mỹ thăm Saudi Arabia 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Ngày 6-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm Saudi Arabia với sứ mệnh ổn định quan hệ song phương sau nhiều năm bất đồng.

Ngoại trưởng Blinken (trái) trong cuộc gặp Thái tử bin Salman. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Blinken (trái) trong cuộc gặp Thái tử bin Salman. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman ở ngày làm việc đầu tiên. Sau đó, Ngoại trưởng Blinken còn gặp gỡ các quan chức Saudi Arabia cấp cao khác để thảo luận về hợp tác chiến lược song phương trên lĩnh vực kinh tế - an ninh; cùng một loạt vấn đề của khu vực và toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ cũng tham gia các cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và Liên minh toàn cầu chống  nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra vài ngày sau khi Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu khai thác, động thái có thể khiến quan hệ Washington - Riyadh leo thang căng thẳng sau thời gian dài rạn nứt. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao thứ 2 của quan chức Mỹ tới quốc gia đồng minh chủ chốt ở Trung Đông trong vòng một tháng. Ở chuyến đi vào ngày 7-5, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng gặp gỡ Thái tử bin Salman để thảo luận về các mối quan hệ chiến lược, thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Trung Đông “an toàn, thịnh vượng và mở rộng kết nối với thế giới”. Theo ông Blinken, quan hệ Washington và Riyadh được củng cố nhờ tiến bộ về nhân quyền. Từ nền tảng này, hai bên có sự đồng thuận trong cam kết chung nhằm thúc đẩy ổn định ở Trung Đông, bao gồm thỏa thuận chính trị toàn diện để đạt được hòa bình và an ninh ở Yemen.

Mỹ và các mục tiêu trong quan hệ chiến lược với Saudi Arabia

Cùng với mục tiêu giành lại ảnh hưởng với Riyadh trong lĩnh vực dầu mỏ, giới quan sát cho biết chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Blinken còn đặt kỳ vọng vào cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Trong phát biểu trước chuyến đi, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington có “lợi ích an ninh quốc gia thực sự” trong việc ủng hộ bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 đồng minh truyền thống ở khu vực. Và sau cuộc gặp ngày 6-6, một quan chức Mỹ tiết lộ các bên đã đồng ý tiếp tục đối thoại về vấn đề này.

Mặc dù Israel và Saudi Arabia từ lâu duy trì liên lạc ở cấp độ không chính thức, nhưng cường quốc thế giới Arab vẫn từ chối công nhận Nhà nước Do Thái. Năm 2020, các nền kinh tế năng động ở Vùng Vịnh (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Morocco và Ai Cập) bắt đầu cải thiện quan hệ với Israel thông qua Hiệp định Abraham do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng tăng cường thúc đẩy Saudi Arabia công nhận Israel, nhưng đến nay chưa thấy đột phá.

Bên cạnh vai trò hòa giải, giới quan sát cho rằng sứ mệnh của Ngoại trưởng Blinken còn bao gồm ngăn chặn mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Saudi Arabia và Trung Quốc cùng Nga, từ đó thiết lập lại tầm ảnh hưởng của Washington đến các quyết định lớn ở Trung Đông. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Biden đã tìm cách định hình lại chính sách đối ngoại của Washington trong khu vực, chú trọng thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Đặc biệt với Saudi Arabia, ông Biden khi tranh cử đã cam kết điều chỉnh mối quan hệ song phương theo hướng “minh bạch” hơn. Trên thực tế, khác biệt trong các chính sách liên quan nhân quyền, giá dầu, vấn đề Iran và an ninh khu vực khiến 2 đồng minh ngày càng bất đồng sâu sắc. Chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng 7-2022 tới Saudi Arabia cũng không giúp giảm bớt mâu thuẫn khi chiến lược của Riyadh nhằm tái khẳng định ảnh hưởng ở khu vực ngày càng ít phù hợp với các ưu tiên của Mỹ ở Trung Đông.

Đơn cử như việc nước này đã và đang rót hàng trăm tỉ USD để chuyển đổi và mở cửa nền kinh tế, bắt đầu sản xuất dược phẩm, năng lượng tái tạo và phần lớn vũ khí của riêng mình. Trong động thái Mỹ không ngờ tới, Saudi Arabia hồi tháng 4 tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Iran dựa trên thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Mới tháng rồi, Thái tử bin Salman có màn chào đón nồng ấm dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab, sau đó là việc các quốc gia thành viên tái công nhận Damacus sau 10 năm đình chỉ - một động thái mà Washington không ủng hộ cũng không khuyến khích.

Iran chính thức mở lại Đại sứ quán tại Saudi Arabia

Iran ngày 6-6 đã chính thức mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia sau 7 năm đóng cửa, qua đó củng cố thỏa thuận xích lại gần nhau do Trung Quốc làm trung gian.

Cụ thể, phái bộ Iran sẽ nối lại hoạt động tại khuôn viên trước đây ở khu ngoại giao đoàn ở Riyadh, gần với Đại sứ quán Syria, cũng dự kiến sẽ sớm mở lại sau khi Saudi Arabia nối lại quan hệ với chính quyền Damascus.

Sự kiện Iran mở lại Đại sứ quán cũng trùng hợp với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Saudi Arabia.

Chia sẻ bài viết