09/09/2012 - 21:19

Ngoại giao Judo

Ngay sau Hội nghị Cấp cao APEC, Tổng thống Nga Pladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko đã cùng tham dự lễ khánh thành bức tượng bán thân nhân ngày sinh nhật thứ 120 của võ sư Judo quá cố Vasili Oshchepkov, người được mệnh danh là “cha đẻ Judo của nước Nga”. Ông Oshchepkov từng học võ ở Viện Judo Kodokan ở Nhật Bản và về mở một câu lạc bộ truyền nghề lại cho người Nga tại thành phố Vladivostok.

Cũng nhân sự kiện này, hai phái đoàn lãnh đạo Nga-Nhật chọn người lập đội thi đấu giao hữu. Hai ông Putin và Noda đều có đai đen môn Judo, nhưng ông Putin ở đẳng cấp năm, còn Noda chỉ đẳng cấp hai. Trong cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức đầu tiên bên lề hội nghị cấp cao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Mexico hồi tháng 6-2012, hai người cũng trao đổi về sắc phục quốc gia bộ môn Judo tại Olympics Luân Đôn năm 2012.

Trên đây là phần trong chính sách “ngoại giao Judo” giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm phá thế bế tắc chính trị và tăng cường các mối quan hệ song phương còn nhiều tiềm năng phát triển to lớn giữa Nga và Nhật Bản. Thực tế thì ngay hôm 8-9, hai nước đã ký hàng loạt thỏa thuận thương mại, trong đó có thỏa thuận xây nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 13 tỉ USD tại Vladivostok nhằm thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Nga sang Nhật. Hai bên cũng ký thỏa thuận xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Sibérie. Với những hợp đồng này, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ tăng mạnh so với 30 tỉ USD hồi năm ngoái.

Quan trọng hơn, trong cuộc gặp song phương kéo dài nửa giờ đồng hồ bên lề Hội nghị Cấp cao APEC, lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ sớm khởi động đàm phán cấp thứ trưởng về vấn đề tranh chấp quần đảo mà Nga gọi là Kuril còn Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc. Ông Putin đồng ý sẽ tiếp đặc phái viên của Thủ tướng Noda là cựu Thủ tướng Yoshri Mori để bàn thảo vấn đề này trước khi ông Noda có thể sang thăm Nga cuối năm nay.

Giới quan sát nhận định Nga và Nhật Bản đang có thêm cơ hội nữa cho các cuộc đàm phán đã kéo dài hàng thập niên qua để đi đến ký kết một thỏa hòa bình, chấm dứt sự nghi kỵ dai dẳng từ sau Đệ nhị Thế chiến.

KIẾN HÒA (Theo Jiji Press, Ria Novosti, Marketmatch)

Chia sẻ bài viết