27/11/2022 - 12:59

Ngoại giao cân bằng của Indonesia 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Indonesia vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong bối cảnh các nước thành viên bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tờ moderndiplomacy cho rằng thành công này đến từ chính sách ngoại giao cân bằng của chính quyền Tổng thống Joko Widodo và đây là bài học cho các cường quốc tầm trung khác.

 Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) đã có chuyến công du Nga và Ukraine với nỗ lực trung gian hòa giải bất thành nhưng góp phần giúp Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali diễn ra thành công. Ảnh: Coconut

"Bạn tốt" với tất cả cường quốc

Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 21-11, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố nước này luôn giữ quan điểm ngoại giao trung lập và duy trì quan hệ với các cường quốc, gồm Trung Quốc và Nga.

 Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) từ ngày 10 đến ngày 13-11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhấn mạnh sự cần thiết của ASEAN trong việc giữ thái độ trung lập và không bị sa lầy vào căng thẳng giữa các cường quốc. “ASEAN phải trở thành một khu vực hòa bình, là mỏ neo cho sự ổn định toàn cầu, luôn thượng tôn pháp luật quốc tế và không trở thành đại diện cho bất kỳ cường quốc nào” - Tổng thống Widodo quả quyết.

"Indonesia luôn giữ quan điểm cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất với tất cả các quốc gia, đặc biệt là tất cả các cường quốc. Chúng tôi đã nhiều lần công khai tuyên bố rằng chúng tôi coi Trung Quốc là một quốc gia thân thiện với Indonesia" - ông Prabowo cho biết sau cuộc họp báo nói trên. Ông này nhấn mạnh Indonesia ưu tiên đối thoại về các vấn đề "có thể gây hiểu lầm, có thể có sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề lãnh hải", nhưng Indonesia "sẽ bảo vệ chủ quyền và bảo vệ nền độc lập" trong trường hợp bị xâm phạm.

Trong khi đó, theo ông Austin, kể từ năm 1970, hơn 7.000 nhân viên quân sự và dân sự Indonesia đã được huấn luyện tại Mỹ và Washington đã cung cấp hơn 130 triệu USD quỹ đào tạo và giáo dục cho sinh viên Indonesia. Ông này cho hay hơn 100 sĩ quan quân đội Mỹ cũng đã được huấn luyện tại Indonesia. Thời gian gần đây, Jakarta đã tìm đến Washington để hiện đại hóa hệ thống vũ khí và khả năng phòng thủ của nước này. Ðơn cử, Indonesia hồi tháng 2 tuyên bố sẽ mua 36 chiến đấu cơ F-15EX trị giá 13,9 tỉ USD.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, cuộc gặp giữa ông Prabowo và ông Austin diễn ra 3 ngày sau khi nhà lãnh đạo quốc phòng Indonesia đến thăm thành phố Tây An của Trung Quốc theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ông Prabowo trong cuộc gặp với ông Ngụy cũng tuyên bố Indonesia giữ thái độ trung lập trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông nói rằng Indonesia, "bạn tốt" của cả Mỹ và Trung Quốc, có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc "duy trì liên lạc, quan hệ" để ngăn căng thẳng leo thang. Ông Prabowo lưu ý Jakarta đã không phải đối mặt với bất kỳ áp lực nào từ Washington liên quan tới quan hệ giữa nước này với Bắc Kinh. "Những người bạn Mỹ của chúng tôi chưa bao giờ gây áp lực buộc chúng tôi chấm dứt quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi coi trọng quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc. Là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, chúng tôi bảo lưu quyền sử dụng và mua thiết bị từ nhiều quốc gia" - ông Prabowo nói.

Trong cuộc gặp, ông Prabowo và ông Ngụy đồng ý nối lại các cuộc tập trận và huấn luyện chung vốn đã bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Trong khi mối quan hệ quốc phòng của Indonesia với Trung Quốc không bền chặt như với Mỹ vốn có từ năm 1970, ông Prabowo nói rằng quan hệ với Bắc Kinh đã "phát triển khá năng động" trong những năm gần đây. Và khi được hỏi liệu Indonesia có từ bỏ quan hệ quốc phòng với Nga hay không, ông Prabowo khẳng định là không vì Jakarta "có quan hệ lâu dài với Nga".

Lâu nay, Indonesia và Trung Quốc là đối tác kinh tế và đầu tư thân thiết, trong đó Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Jakarta và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại song phương vào năm ngoái đạt 120 tỉ USD, tăng 58,6% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia, với số tiền đầu tư 3,6 tỉ USD, chỉ đứng sau Singapore.

Nhất quyết không bị sa lầy

Ngoài việc không bị sa lầy vào căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Indonesia cũng không để cuộc chiến Nga - Ukraine tác động đến quan hệ giữa Indonesia và phương Tây. Thế nên, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào trung tuần tháng 11, Tổng thống Widodo đã quyết định mời cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky qua chuyến công du tới 2 nước này hồi tháng 6. Ðây là cơ hội để ông Widodo làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, trước sự phản đối quyết liệt của phương Tây và tránh cho sự khó xử của nước chủ nhà, cả ông Putin lẫn ông Zelensky đều không tham gia và chỉ có bài phát biểu ghi hình gửi tới hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia đã giúp kết nối cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải)  và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN

Chính lập trường trên đã góp phần giúp Indonesia tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20. Tuyên bố chung đạt được sau hội nghị đã đề cập đến vấn đề Nga - Ukraine mà không làm mất thể diện của bên ngoài. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.

Nhà lãnh đạo Indonesia cho biết hội nghị đã đạt được 4 mục tiêu lớn gồm: Thứ nhất, hội nghị đã nhất trí thành lập một quỹ phòng chống đại dịch trị giá 1,5 tỉ USD. Thứ hai là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thành lập Quỹ Tín thác về khả năng phục hồi và bền vững (RST) với tổng trị giá 81,6 tỉ USD để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương trước khủng hoảng. Thứ ba, Mỹ, G7 và Nhóm đối tác quốc tế (IPG - gồm Canada, Ðan Mạch, EU, Pháp, Ðức, Ý, Na Uy và Anh) thống nhất huy động 20 tỉ USD thông qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Indonesia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại quốc gia Ðông Nam Á này. Cuối cùng, các nước thành viên G20 cam kết giảm thiểu tình trạng hoang hóa đất 50% một cách tự nguyện.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Indonesia

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40 - 41 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Ðối tác chiến lược với Indonesia. Nhằm tiếp tục đưa quan hệ giữa 2 nước đi vào chiều sâu, thực chất, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai các phương hướng hợp tác lớn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.

Ðể tạo động lực cho phục hồi kinh tế, hai bên chia sẻ sự cần thiết thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn. Thủ tướng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Indonesia. Tổng thống Indonesia ghi nhận đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính có các biện pháp giúp giảm nhập siêu cho Việt Nam, dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của cả 2 nước.

Indonesia hiện là nước đông dân thứ tư trên thế giới với dân số hơn 250 triệu người. Quốc gia này đã và đang trở thành một thị trường trọng điểm và hết sức tiềm năng tại khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Năm 2021, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 11,4 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, vượt mục tiêu 10 tỉ USD hai bên đã đề ra trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Ðối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Indonesia 7 tháng đầu năm 2022 đạt gần 8,1 tỉ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia ước đạt 2,7 tỉ USD tăng 21%.

Việt Nam và Indonesia đang xem xét tiến tới xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Ðối tác chiến lược giai đoạn 2024-2028, đưa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ USD vào năm 2028.

P.V (Theo TTXVN, Chinhphu.vn)

 

Chia sẻ bài viết