11/02/2018 - 14:37

Nga, Trung tăng tốc kiểm soát Bắc Cực 

Nga, Trung Quốc và Mỹ đang ra sức tranh giành ảnh hưởng cũng như quyền kiểm soát Bắc Cực, khiến giới phân tích lo ngại một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ diễn ra tại khu vực quanh năm lạnh giá này.

Hai tàu phá băng của Nga hoạt động tại Bắc Cực. Ảnh: AFP

Hai tàu phá băng của Nga hoạt động tại Bắc Cực. Ảnh: AFP

Với hơn một nửa bờ biển Bắc Cực chạy dọc theo duyên hải phía Bắc của Nga, Mát-xcơ-va lâu nay luôn muốn thống trị về mặt kinh tế và quân sự tại khu vực mà lượng dầu mỏ và khí tự nhiên chưa được khai thác ước trị giá lên tới khoảng 35 nghìn tỉ USD. Với 300 tỉ USD đổ vào các dự án tiềm năng, Nga là quốc gia đi đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng Bắc Cực. Thời gian qua, Mát-xcơ-va đã tái sử dụng các căn cứ quân sự thời Liên Xô cũ cũng như thiết lập các căn cứ và sân bay mới ở lãnh thổ phía Bắc của mình, đồng thời xây dựng một loạt các cảng biển tại đây. Hồi năm ngoái, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft đã bắt đầu khai thác tại khu vực được cho có thể chứa hơn nửa tỉ thùng dầu này. Còn Tập đoàn năng lượng Gazprom Neft cũng đang bơm dầu trong lòng Bắc Cực.

Đầu tháng 12 năm ngoái, thời điểm mà các chuyên gia khí hậu thảo luận Arctic Report Card - đánh giá thường niên của Liên minh Địa-Vật lý Mỹ về các điều kiện của Bắc Cực - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lô khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên được chuyển lên tàu chở sang Anh từ nhà máy Yamal LNG, một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng phức tạp nhất của Nga ở Bắc Cực tính đến thời điểm này, với vốn đầu tư gần 150 tỉ USD. Hiện Nga có gần 40 tàu phá băng đang hoạt động ở Bắc Cực, cùng với 5 tàu đang được đóng và 6 tàu khác được lên kế hoạch đóng.

 Không chỉ Nga mà Mỹ, Phần Lan và Canada đều muốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực. Tập đoàn năng lượng nhà nước Na Uy Statoil hiện đang triển khai các hoạt động thăm dò ở vùng biển Barents, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 1-2018 đã công bố kế hoạch khai thác phần lớn thềm lục địa ngoài của Mỹ, bao gồm các khu vực ngoài khơi bờ biển phía Bắc Alaska.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Trung Quốc, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Bắc Cực, cũng đang mong muốn kiểm soát khu vực này. Với tiềm lực kinh tế và hải quân hùng hậu của mình, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các dự án phát triển Bắc Cực dù không sở hữu phần lãnh thổ nào tại đây. Theo đó, Bắc Kinh hồi tháng rồi đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng “Con đường tơ lụa Bắc Cực” tại khu vực trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu ấm lên mở ra nhiều tuyến đường biển mới cũng như mang lại nhiều cơ hội kinh tế ở đây.

   Trước đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cùng với Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecom) hồi giữa tháng 12 năm ngoái đã đàm phán với Phần Lan để lắp đặt một tuyến cáp viễn thông tốc độ cao dài 10.500km xuyên qua Bắc Cực nhằm tạo ra kết nối dữ liệu nhanh nhất giữa châu Âu và Trung Quốc vào năm 2020. Được biết, chi phí xây dựng cơ bản của dự án vào khoảng 820 triệu USD.

Mùa hè năm ngoái, một tàu phá băng của Trung Quốc cũng đã hoàn thành chuyến thám hiểm xuyên địa cầu, trong đó có Bắc Cực.

TRÍ VĂN (Theo CNBC)

Chia sẻ bài viết