29/08/2008 - 06:20

Nga tìm kiếm sự ủng hộ từ phương Đông?

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp nhau trước thềm hội nghị. Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Thủ đô Dushanbe của Tajikistan vào hôm qua, 28-8. Ngoài các nguyên thủ của 6 nước thành viên gồm Nga, Trung Quốc, Tajikistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, hội nghị còn có sự tham dự của đại diện cấp cao các nước quan sát viên gồm Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan, trong đó có Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cũng có mặt theo lời mời của các nhà lãnh đạo SCO.

Tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Emomali Rakhmon tuyên bố trong những năm qua, SCO đã phát triển nhanh chóng và đang trở thành một cầu nối quan trọng cho sự hợp tác quốc tế. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo SCO nhất trí ký kết Các quy định về quy chế đối thoại đối tác, nhằm tạo cơ sở pháp lý để SCO thúc đẩy hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Hiện nay, SCO đã có quy chế quan sát viên tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thiết lập nhóm tiếp xúc với Afghanistan và đang tăng cường hợp tác với các tổ chức như Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hiệp Quốc, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hội nghị lần này cũng thảo luận việc mở rộng SCO, cụ thể là quy chế kết nạp thành viên mới. Ngoài Ấn Độ và Pakistan, Iran cũng đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập SCO.

Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra trong bối cảnh Nga và phương Tây đang mâu thuẫn sâu sắc xung quanh “cuộc chiến 5 ngày” tại Nam Ossetia (khu vực ly khai của Gruzia), nên dư luận cho rằng đây là dịp để Mát-xcơ-va tìm kiếm sự ủng hộ từ phương Đông, mà đặc biệt là Trung Quốc. Chưa có nước thành viên SCO nào công khai ủng hộ hành động đáp trả quân sự của Nga chống Gruzia, nhưng tất cả đều phản đối đòn tấn công “phủ đầu” của Tbilisi tại Nam Ossetia. Về việc Nga chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia (vùng lãnh thổ ly khai khác của Gruzia), các nước SCO cũng chưa đưa ra lập trường rõ ràng. Bắc Kinh chỉ bày tỏ “sự lo ngại” và kêu gọi các bên liên quan “đối thoại và tham vấn” lẫn nhau để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sự yên lặng của Bắc Kinh cũng đồng nghĩa với việc không phản đối, và do vậy Trung Quốc sẽ bác bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào chống Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bao nhiêu đó đối với Mát-xcơ-va đã là đủ.

Sau hội nghị này, Nga sẽ tiếp nhận vai trò chủ tịch luân phiên của SCO và đây sẽ là cơ hội để Nga thúc đẩy các nỗ lực tăng cường quan hệ nội khối, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự, và kết nạp thêm thành viên mới tại cuộc họp của Hội đồng các nguyên thủ quốc gia SCO ở Yekaterinburg vào năm 2009. Theo Alexei Mukhin, giám đốc Trung tâm thông tin chính trị có trụ sở tại Mát-xcơ-va, việc SCO mở rộng từ hợp tác kinh tế sang lĩnh vực an ninh - quân sự chứng tỏ tất cả các nước thành viên của khối này đã sẵn sàng làm đối trọng với NATO.

PHÚC NGUYÊN

(Tổng hợp từ Xinhua, Reuters, AFP, The Earthtimes, RIA Novosti)

Chia sẻ bài viết