20/10/2021 - 04:15

Nga - NATO “ăn miếng trả miếng” 

Trong dấu hiệu quan hệ tiếp tục xuống dốc, Nga đã đình chỉ hoạt động của phái bộ nước này tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để trả đũa việc NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Trụ sở NATO tại Brussels. Ảnh: Getty Images

Trụ sở NATO tại Brussels. Ảnh: Getty Images

Đầu tháng 10, NATO tuyên bố giảm một nửa thành viên phái bộ Nga làm việc tại trụ sở chính ở Brussels (Bỉ) xuống còn 10 người, đồng thời trục xuất 8 nhà ngoại giao bị nghi là sĩ quan tình báo. Mát-xcơ-va bác bỏ cáo buộc “vô căn cứ” nói trên và tuyên bố sẽ đáp trả. Cho tới hôm 18-10, Điện Kremlin quyết định tạm dừng sứ mệnh tại NATO và ra lệnh đình chỉ hoạt động của phái bộ liên lạc quân sự cùng văn phòng thông tin NATO ở thủ đô Mát-xcơ-va. Trong tình huống khẩn cấp, hai bên có thể trao đổi qua đại sứ quán Nga tại Bỉ.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích các động thái “có chủ ý” trước đó của NATO hạn chế khả năng hoạt động của phái bộ nước này, kể cả thực hiện những công việc ngoại giao sơ ​​đẳng. Ông chỉ ra thực tế rằng khối quân sự do Mỹ dẫn đầu không coi trọng bất kỳ hình thức hợp tác hay đối thoại bình đẳng nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự - chính trị. Trong thông báo riêng, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc NATO đang thổi phồng các mối đe dọa với chính sách ngày càng cứng rắn nhằm tăng cường liên kết nội bộ, tạo vỏ bọc phù hợp các điều kiện địa chính trị hiện đại. Vì lẽ này, Nga cũng không cần tiếp tục đặt kỳ vọng vào bất kỳ sự thay đổi nào trong tương lai gần, ông Lavrov kết luận.

Phản ứng của NATO

Đáp lại, người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết liên minh lấy làm tiếc trước quyết định của Nga và khẳng định chính sách với Mát-xcơ-va là nhất quán. Theo bà Lungescu, chủ trương của NATO tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ để đối phó với các hành động gây hấn từ Nga; nhưng vẫn ủng hộ các kênh đối thoại bao gồm Hội đồng NATO - Nga. Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi một cuộc họp của cơ chế tham vấn nói trên khi quan hệ hai bên xuống mức rất thấp và đối thoại là cách tốt nhất để giảm căng thẳng. Nhưng với bất đồng về hành vi ngoại giao và hoạt động tình báo hiện nay, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo căng thẳng giữa NATO với Nga có thể bị đẩy lên mức nguy hiểm.

Được biết, NATO đã đình chỉ mọi hợp tác dân sự và quân sự thực tế với Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Hành động này còn dẫn tới việc Mát-xcơ-va bị loại khỏi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G8) và đặt ra cục diện địa chính trị cho các cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Năm 2018, NATO đã cắt giảm phái bộ Nga xuống còn 20 người và trục xuất 7 nhân viên ngoại giao nước này sau vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Salisbury (Anh). Vài ngày sau, 20 quốc gia bao gồm Mỹ đã ủng hộ Anh bằng cách cùng nhau trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga. Để trả đũa, Mát-xcơ-va trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St.Petersburg. Điện Kremlin cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc NATO triển khai các lực lượng gần biên giới Nga và coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Hành động Mát-xcơ-va trả đũa NATO diễn ra tại thời điểm Mỹ tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng của Nga, bao gồm chuyến công du châu Âu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với các chặng dừng chân tại Gruzia, Ukraine và Romania. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo NATO không nên theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Gruzia và Ukraine.

MAI QUYÊN (Theo AP, BBC)

Chia sẻ bài viết