26/03/2014 - 10:22

Nga không xem trọng G8

Các nhà lãnh đạo G7 và châu Âu tại cuộc họp hôm 24-3 tại La Haye. Ảnh: AP

Nhằm gia tăng áp lực đối với Mát-xcơ-va liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina, Mỹ và các đồng minh phương Tây vừa tuyên bố loại Nga ra khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8), đồng thời cảnh báo sẵn sàng áp đặt những trừng phạt kinh tế nặng hơn nếu chính quyền Tổng thống Vladimir Putin có động thái quân sự mới gây bất ổn Ukraina. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Nga không coi trọng diễn đàn này.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Haye (Hà Lan) hôm 24-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì một hội nghị không chính thức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada. Sau cuộc họp, G7 ra tuyên bố chung cho biết sẵn sàng tăng cường trừng phạt chống Nga, trong đó bao gồm những biện pháp trừng phạt phối hợp có thể gây tác động nghiêm trọng tới kinh tế Nga nếu Mát-xcơ-va tiếp tục leo thang căng thẳng nhằm "bành trướng lãnh thổ". G7 cũng kêu gọi Nga khởi động đối thoại với Ukraina và tận dụng trung gian quốc tế. Ngoài ra, nhóm này cũng quyết định không tham gia hội nghị thượng đỉnh G8 (gồm G7 và Nga) dự kiến diễn ra tại Sochi (Nga) vào tháng 6 cho tới. Thay vào đó, G7 sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) mà không có Nga.

Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ John Kerry cũng tại La Haye, Ngoại trưởng Nga Lavrov đáp lại rằng động thái trên sẽ không là điều nghiêm trọng với Mát-xcơ-va. Ông Lavrov tuyên bố "G8 là một câu lạc bộ không chính thức, không ai có thẻ thành viên và cũng không ai có quyền trục xuất thành viên". Theo ông, ngoài G8, nhiều vấn đề thế giới đang được thảo luận tại nhiều diễn đàn và tổ chức quốc tế như G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), hoặc nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân của Iran… Lãnh đạo ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Nếu các đối tác phương Tây của Nga cho rằng thể thức G8 không cần thiết nữa thì hãy để họ làm như vậy. Chúng tôi không níu kéo để ở lại nhóm này và cũng sẽ không có thiệt hại gì lớn. Đây có thể là một thử nghiệm trong hơn một năm tới và có thể chờ xem không có G8 thì sẽ thế nào".

Theo kênh truyền hình RT của Nga, trái ngược với G7, nhóm BRICS (các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bày tỏ sự ủng hộ Mát-xcơ-va với tuyên bố phản đối các cấm vận chống Nga vì cho rằng đó không phải là giải pháp bền vững và hòa bình. BRICS cũng đề nghị các nước hợp tác với LHQ để giải quyết vấn đề hiện nay. Trong cuộc gặp bên lề hội nghị tại La Haye, các bộ trưởng BRICS tỏ ra quan ngại trước tuyên bố của Úc rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không được mời đến hội nghị G20 vào tháng 11 năm nay ở Brisbane. BRICS cho rằng "việc quản lý G20 thuộc về tất cả các nước thành viên một cách bình đẳng và không thành viên nào có thể đơn phương quyết định bản chất và đặc tính của cả nhóm".

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều nước châu Á khác cũng tuyên bố không tham gia mặt trận chống Nga đang được thành lập một cách vội vàng dưới lá cờ của Mỹ và EU. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga và không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây kêu gọi "kiềm chế Mát-xcơ-va" ở bất cứ nơi nào có thể.

Cũng tại La Haye, Ngoại trưởng Lavrov đã có cuộc tiếp xúc với người đồng nhiệm Ukraina Andrey Deshchitsa. Ông Lavrov cho biết trong cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên giữa Mát-xcơ-va và chính quyền mới Kiev kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng, hai bên đã đưa ra kế hoạch nối lại đối thoại cấp cao giữa hai nước. Ông cho biết đã yêu cầu Kiev sửa đổi hiến pháp theo hướng trao quyền tự trị cho tất cả các khu vực nói tiếng Nga tại Ukraina.

Trong khi đó, chính quyền Nga đã vẽ lại bản đồ lãnh thổ mới, trong đó bao gồm bán đảo Crimea vừa mới sáp nhập. Ngoài ra, để trả đũa cấm vận của Canada liên quan đến việc sáp nhập Crimea, Mát-xcơ-va cũng công bố danh sách 13 quan chức Canada bị cấm nhập cảnh.

THUẬN HẢI (Theo RT, Reuters, BBC, AP)

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina từ chức

Quốc hội Ukraina ngày 25-3 đã bỏ phiếu chấp nhận đơn từ chức của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Igor Tenyukh, dù ông này chối bỏ trách nhiệm sau khi cộng hòa tự trị Crimea sáp nhập vào Nga. Các nhà lập pháp Ukraina cũng đã bầu Trung tướng Mikhail Kovalyoy lên thay.

Cùng với sự kiện trên, khoảng 6.500 binh sĩ và thân nhân gia đình Ukraina đã bắt đầu rút khỏi Crimea. Có khoảng 18.800 binh sĩ và người thân Ukraina đóng tại Crimea trước khi bán đảo này quyết định ly khai.

Chia sẻ bài viết