18/04/2008 - 10:52

Năng lượng tạo ra trật tự thế giới mới

Khai thác khí đốt ở Bahrain. Ảnh: Reuters

Ngày 16-4, giá dầu thô thế giới đạt kỷ lục mới khi leo lên mức 115,14 USD/thùng tại thị trường New York và 112,66 USD/thùng tại Luân Đôn. Theo giới phân tích, giá dầu diễn biến bất thường là do nhu cầu năng lượng tăng nhanh trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi nguồn cung giảm. Trang tin điện tử Thời báo châu Á (Atimes) ngày 17-4 cho rằng cuộc cạnh tranh gay gắt về năng lượng đang dẫn tới việc hình thành một trật tự thế giới mới, trong đó có sự “chia sẻ” quyền lực và sự thịnh vượng từ các nước thiếu năng lượng như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... sang các nước giàu năng lượng như Nga, Arabie Séoudite, Venezuela...

Trật tự này được quyết định bởi 5 yếu tố sau:

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc cũ và mới về nguồn cung năng lượng. Dự báo đến năm 2010, các nước đang phát triển tiêu thụ tới 40% năng lượng thế giới và 47% vào năm 2030. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với dự báo tiêu thụ 20% vào năm 2025. Nhu cầu năng lượng ở các nước đang công nghiệp hóa như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ dự báo cũng sẽ tăng nhanh. Do đó, các nước này sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc kinh tế để tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng, tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt trong tương lai.

Thiếu hụt các nguồn cung năng lượng chủ yếu. Công suất của ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu đang “đi sau” nhu cầu của thế giới. Theo tính toán, nguồn cung khí đốt, than và uranium có thể tăng thêm trong 10-20 năm tới, nhưng nguồn cung dầu có thể chỉ tăng lên trong 5 năm nữa là đạt mức cao nhất, rồi sau đó sụt giảm.

Các nguồn năng lượng thay thế phát triển chậm. Năng lượng gió và mặt trời tuy phát triển mạnh ở một số vùng, nhưng các nguồn năng lượng thay thế nói chung hiện chỉ đóng góp tỷ lệ nhỏ vào nguồn cung nhiên liệu trên thế giới. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhiên liệu tái sinh chỉ cung cấp 7,4% năng lượng toàn cầu năm 2004, nhiên liệu sinh học đóng góp chỉ 0,3%. Trong khi đó, nhiên liệu hóa thạch đáp ứng 86% nhu cầu năng lượng thế giới, điện hạt nhân góp 6%.

Sự chuyển giao quyền lực và sự thịnh vượng từ các nước thiếu năng lượng sang các nước giàu năng lượng. Chỉ hơn 10 nước trên thế giới có đủ dầu khí, than và uranium đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước và xuất khẩu. Do vậy, các nước này có thể thu được nhiều lợi ích về tài chính, kể cả sự nhượng bộ chính trị và quân sự, từ các nước thiếu năng lượng. Ước tính thu nhập từ dầu của các nước xuất khẩu năm 2006 khoảng 970 tỉ USD. Nguồn thu khổng lồ này được đưa vào các Quỹ đầu tư quốc gia (SWF) để “thôn tính” các công ty lớn trên khắp thế giới. Chẳng hạn như lợi dụng cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, các SWF của Vùng Vịnh tiến hành thu mua ồ ạt cổ phần ở các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Mỹ. Tháng 11-2007, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất mua 7,5 tỉ USD cổ phiếu của Citigroup, tập đoàn ngân hàng lớn nhất Mỹ. Đầu năm nay, Citigroup tiếp tục bán cổ phần trị giá 12,5 tỉ USD cho Cơ quan đầu tư Koweit và một số nhà đầu tư Trung Đông.

Nguy cơ gia tăng xung đột. Vấn đề năng lượng có thể được giải quyết êm đẹp bằng các giải pháp kinh tế. Tuy nhiên, các cường quốc lại sử dụng quân sự trong nỗ lực tranh thủ nguồn cung năng lượng toàn cầu. Ví như, Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường chuyển giao vũ khí và thiết bị đến các nước sản xuất dầu như Angola, Nigeria và Sudan ở châu Phi, hay các nước Azerbaijan, Kazakhstan và Kyrgyzstan ở biển vùng Caspie. Mỹ mượn cớ là ngăn chặn lực lượng nổi dậy ở vùng Đồng bằng Niger của Nigeria, nơi chứa phần lớn lượng dầu của nước này; trong khi Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Sudan, nơi hoạt động khai thác dầu bị đe dọa bởi các cuộc nổi dậy. Nga cũng sử dụng việc chuyển giao vũ khí làm phương tiện gây ảnh hưởng ở các khu vực sản xuất dầu khí trên biển Caspie và Vịnh Persic.

N.MINH (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết