12/11/2013 - 08:50

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN VÀ NÔNG NGHIỆP NAM BỘ

Nâng chất “đầu ra”, đáp ứng nhu cầu xã hội

Giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp sẽ góp phần tích cực thu hút tuyển sinh "đầu vào" ở các cơ sở đào tạo. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (còn gọi là CEA) tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng chất lượng "sản phẩm đầu ra", đáp ứng nhu cầu xã hội...

Bạn Nguyễn Hoàng Vũ, cựu sinh viên của CEA, cho biết: "Sau khi ra trường, tôi làm việc tại Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Nguyên (Khu Công nghiệp Trà Nóc) đến nay. Khi mới nhận việc, tôi rất bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen dần với môi trường mới. Quan trọng hơn, công việc hiện nay phù hợp với sở thích, sở trường của tôi". Tốt nghiệp Trung cấp ngành Công nghệ kỹ thuật điện của CEA năm 2009, sau thời gian làm kỹ thuật viên tại Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Nguyên, năm 2010, Vũ đăng ký khóa học liên thông lên cao đẳng tại CEA. Vừa học, vừa làm, vừa phải thích nghi với công việc mới nên Vũ rất vất vả. Nhờ lãnh đạo công ty tạo điều kiện, Vũ hoàn thành chương trình liên thông, nhận bằng tốt nghiệp cao đẳng vào tháng 8-2013. Từ mức lương khởi điểm 1,7 triệu đồng, nay lương Vũ đã tăng hơn 4 triệu đồng/ tháng, giúp Vũ tự trang trải các khoản chi tiêu bản thân. Theo Vũ, kiến thức nhà trường có thể ứng dụng vào thực tế công việc khoảng 60%, phần còn lại đòi hỏi người học phải tự học hỏi, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, lãnh đạo cấp trên. Vũ nói: "Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục học lên bậc học cao hơn để nâng cao trình độ hiểu biết, tiến bộ hơn trong nghề nghiệp". Tương tự, sau khi tốt nghiệp Trung cấp ngành Điện công nghiệp dân dụng của CEA năm 2009, Nguyễn Quang Anh xin vào làm kỹ thuật viên vận hành máy Công ty sữa Vinamilk (Khu Công nghiệp Trà Nóc). Sau thời gian nỗ lực làm việc, hiện nay Quang Anh hưởng mức lương khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Quang Anh nói: "Tôi có thể áp dụng từ 60%-70% kiến thức đã học vào công việc. Để giúp HSSV làm tốt công việc, chương trình đào tạo nên tăng thời lượng thực hành, thực tập".

Để nâng cao chất lượng đào tạo, cán bộ, giảng viên luôn cập nhật bổ sung, nâng cao kiến thức chuyên môn, qua việc trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với Chuyên gia của Tổ chức KWT (Hà Lan) trên các thiết bị. Ảnh: CTV

Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố để HSSV tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; một trong số đó là "thương hiệu" của trường. Do vậy, năm học mới này, lãnh đạo CEA tiếp tục đa dạng hóa loại hình, ngành nghề và hiệu quả đào tạo, thông qua việc phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của trường. CEA hiện có 128 cán bộ giảng dạy, trong đó có 1 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 51 thạc sĩ. Với nguồn lực này, trường đảm bảo phục vụ dạy và học trên 4.000 HSSV... Để nâng cao chất lượng đào tạo, năm học mới 2013-2014, trường thực hiện chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ ở 5 ngành cao đẳng. Để chuẩn bị cho bước chuyển đổi này, trường cử cán bộ giảng dạy trực tiếp đến các doanh nghiệp thực hành trên máy móc; mời chuyên gia Hà Lan đến trường hướng dẫn trực tiếp giảng viên kỹ năng thực hành trên máy tiện CNC… Đồng thời, tập trung đổi mới nội dung giáo trình, chương trình đào tạo phù hợp tình hình thực tế địa phương; chú trọng chuyển quá trình đào tạo thành tự đào tạo, giúp HSSV tiếp cận và thích ứng nhanh yêu cầu doanh nghiệp. Theo lãnh đạo CEA, khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, không chỉ HSSV đóng vai trò là "trung tâm" mà giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, giáo trình...

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện các công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo chất lượng đào tạo, năm 2008, trường thành lập Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng. Phòng này có chức năng phối hợp với Phòng Đào tạo các khoa tổ chức thi học kỳ, tốt nghiệp cho các hệ; đánh giá chất lượng đào tạo của trường theo 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí của Bộ GD&ĐT; đồng thời xây dựng qui trình đánh giá chất lượng "đầu ra", thông qua các đơn vị tuyển dụng HSSV sau khi tốt nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng CEA, cho biết: "10 năm trở lại đây, trường đã thực hiện việc khảo sát HSSV sau khi tốt nghiệp, thông qua phiếu khảo sát, tham khảo ý kiến chuyên gia, khảo sát thử rồi khảo sát chính thức". Cán bộ khảo sát liên hệ HSSV qua phiếu thăm dò, điện thoại, tư vấn trực tiếp và email; khảo sát việc làm của HSSV từ hơn 70 doanh nghiệp.

Qua báo cáo kết quả điều tra việc làm của HSSV tốt nghiệp giai đoạn 2002-2012 của CEA, trong 1.675 phiếu điều tra, khảo sát các nhóm ngành/nghề. Kết quả: số HSSV tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo chiếm 71,7%; khó khăn lớn nhất của HSSV khi đi xin việc có 20,5% nguyên nhân do học vấn, 60,9% do thiếu kinh nghiệm làm việc và 16,6% do thiếu thông tin; còn kiến thức học ở trường: 68,5% rất hữu ích và 20,3% ít hữu ích. Thạc sĩ Phan Kim Thanh, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng của CEA, nói: "Qua khảo sát, trường nắm được nhu cầu doanh nghiệp để định hướng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời, ghi nhận ý kiến HSSV đã và đang học, để có thể điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Như việc lấy ý kiến chung từ doanh nghiệp hay HSSV, đều đề nghị trường cần giảm thời lượng lý thuyết và tăng thời lượng thực tập tốt nghiệp... để nâng cao chất lượng đào tạo".

Đi đôi với việc thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ, trường còn kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả "đầu ra", đáp ứng nhu cầu của xã hội, qua việc gắn kết chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp, công ty để giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến cho biết: "Giai đoạn 2013-2015, trường tiếp tục tiến hành khảo sát việc làm của HSSV sau khi tốt nghiệp để nghiên cứu nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên, công tác chủ nhiệm, quản lý HSSV,… nhằm gắn kết giữa lý thuyết nhà trường và thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động".

B.Kiên

 

Chia sẻ bài viết