16/04/2023 - 14:43

Nằm quan tài cầu an  

Người dân tại một số nước châu Á có niềm tin rằng nằm trong quan tài hoặc làm đám tang giả cho chính mình mang lại nhiều may mắn và sức khỏe.

Đôi uyên ương người Thái nằm quan tài cầu nguyện “tái sinh”. Ảnh: EPA

 

Người Thái mong “tai qua nạn khỏi”

Thái Lan đón Tết cổ truyền và người Thái gọi là Songkran hay Lễ hội té nước. Đây là tết theo Phật giáo và là ngày lễ quan trọng nhất ở Vương quốc Thái Lan. Nó được tổ chức trong 3 ngày trong tháng 4, từ ngày 13 đến ngày 15.

Tờ Bangkokpost cho biết một số người dân Thái Lan trong mỗi đầu năm tết cổ truyền có phong tục cầu an trong quan tài tại các ngôi chùa.

Những năm gần đây, nhiều đôi tân uyên ương ở đất nước Chùa Vàng cũng tìm đến quan tài làm lễ cầu an nhân Ngày Makha Bucha, lễ hội Phật giáo quan trọng thứ hai được tổ chức ngày rằm tháng 3 âm lịch hằng năm.

Nghi lễ đám cưới trong quan tài, do các nhà sư tiến hành, được cho giúp cặp vợ chồng son được “tái sinh”, đồng thời mang lại tình yêu đích thực, sự thịnh vượng và được bảo vệ khỏi tai ương.

Giới trẻ Thái nằm quan tài cầu an nhân dịp năm mới. Ảnh: Reuters

Đại dịch COVID-19 ập đến từ đầu năm 2020 càng khiến nghi lễ nằm quan tài cầu vận đen qua đi trở nên quan trọng hơn.

Hãng tin Reuters mô tả tín ngưỡng nằm quan tài cầu an của người Thái là hình thức làm đám tang giả với hy vọng tìm kiếm vận may hoặc mang lại một khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

Prakru Prapath Waranukij, một nhà sư thực hiện nghi lễ, chia sẻ: “Nằm trong quan tài nhắc nhở mọi người rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chết. Vì vậy chúng ta phải  sống thật tốt và trân trọng cuộc sống hiện tại của mình”.

Dân Hàn, Nhật muốn vượt qua cái chết

Không chỉ xứ Chùa Vàng, một số nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rộ lên xu hướng làm đám tang giả.

Xứ kim chi có các công ty dịch vụ tổ chức "tang lễ tập thể cho người sống" vốn muốn vượt qua áp lực cuộc sống, thoát khỏi tâm trạng cô đơn, đau buồn và nhất là khi cảm thấy mình “gần đất xa trời” hoặc có ý định tự tử.

Vì thế, không chỉ người già mà cả nam nữ thanh thiếu niên cũng tìm đến dịch vụ "tang lễ sống".

Mỗi "đám tang" như thế sẽ bao gồm vài chục người với đủ mọi thành phần trong xã hội. Người tham gia sẽ được tặng khăn liệm, di ảnh, tự viết di chúc và nằm trong quan tài đóng kín khoảng 10 phút.

"Một khi đã nhìn nhận rõ cái chết và trải qua nó, bạn sẽ có cách nhìn mới về cuộc sống", bà Cho Jae-hee, 77 tuổi, người tham gia "tang lễ sống" cho biết.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết