20/12/2012 - 09:21

Mỹ-Trung chạy đua phát triển máy bay chiến đấu không người lái

Sự kiện chiếc máy bay có hình dáng như một con dơi hạ cánh trên boong tàu sân bay cách nay không lâu được coi là đã đánh dấu giai đoạn mới trong "canh bạc đầy rủi ro" của Mỹ nhằm duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển loại máy bay không người lái cho riêng mình, khiến cuộc đua trong lĩnh vực này giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới ngày càng quyết liệt.

UAV đầu tiên hạ cánh xuống tàu sân bay

Chiếc  X-47B của Mỹ .  Ảnh: Getty Images

Ngày 26-11, Mỹ trình làng máy bay không người lái (UAV) không đuôi và tàng hình X-47B trên boong tàu sân bay Harry S. Truman tại căn cứ hải quân Norfolk ở Virginia. Đây là lần đầu tiên một máy bay chiến đấu phản lực không người lái có mặt trên tàu sân bay. X-47B có chức năng do thám và tấn công. Nó được thiết kế để thực hiện sứ mạng khó khăn nhất trong ngành hàng không, đó là cất và hạ cánh an toàn từ boong một tàu sân bay mà không có bất kỳ phi công nào trực tiếp điều khiển. X-47B có kích thước bằng một máy bay chiến đấu hiện đại. Tuy nhiên, nó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ được lập trình sẵn trên máy tính và sau đó quay trở lại căn cứ chỉ bằng một cú nhấp chuột. Ngoài ra, các nhà điều hành có thể giám sát và có thể thay đổi hướng đi của chúng nếu cần.

Sắp tới, X-47B sẽ được tập trận trên tàu sân bay. Trong khi đó, một phiên bản X-47B sẽ thực hành hạ, cất cánh trên boong tàu sân bay mô phỏng ở đất liền. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, việc tiếp nhiên liệu trên không cho X-47B sẽ bắt đầu vào năm 2014 bằng máy bay tiếp nhiên liệu loại có hoặc không người lái. Đây sẽ là một giai đoạn quan trọng trong kế hoạch phát triển của X-47B sau hơn 5 năm được Hải quân Mỹ thử nghiệm với phí tổn lên đến hơn 800 triệu USD. Nếu thử nghiệm thành công, X-47B sẽ có thể được sản xuất hàng loạt, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho lực lượng hải quân Mỹ.

CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Thời báo New York mô tả X-47B có hình dạng tương tự như máy bay ném bom tàng hình có người lái tầm xa B-2 của Mỹ do hãng Northrop Grumman phát triển. Cả hai máy bay đều không có thân và đuôi thẳng đứng. Tất cả các cánh được thiết kế không chiếm nhiều diện tích không gian. X-47B có thể mang theo 2 tấn vũ khí, bằng 1/9 tải trọng của máy bay B-2. Được biết, phạm vi mục tiêu của X-47B vào khoảng 830 km. Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 2-2011, X-47B chỉ bay với tốc độ cận âm thanh với thời gian hơn 6 giờ cùng với tầm bay hơn 3.890 km. Theo các chuyên gia Mỹ, nếu được tiếp nhiên liệu, X-47B có thể bay ở phạm vi xa hơn 5.500 km và bay liên tục trên không từ 50-100 giờ, gấp 5-10 lần máy bay có người lái. Theo Thời báo New York, kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2011 tại Mỹ, số lượng UAV phục vụ cho quân đội Mỹ đã tăng từ một con số nhỏ lên tới hơn 7.500 chiếc, chiếm 1/3 tổng số máy bay quân sự của Mỹ.

Trung Quốc phô trương năng lực UAV

Trước sự bùng nổ về UAV của Mỹ như hiện nay, liệu Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ về công nghệ tiên tiến này? Để cho thế giới thấy rằng Trung Quốc không hề thua kém bất cứ quốc gia nào kể cả một cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ, tại triển lãm hàng không ở Chu Hải hồi tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã giới thiệu một số mẫu UAV có hình dáng tương tự như UAV của Mỹ. Một trong số đó, chiếc CH-4 là đáng được chú ý nhất. CH-4 được trang bị 4 giá treo dưới cánh, có khả năng mang tên lửa và bom vệ tinh với tính chính xác cao. CH-4 được cho là có tầm bắn bay hơn 3.500 km và có thể thực hiện nhiệm vụ tại các quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trung Quốc đã bắt đầu chương trình UAV từ giữa những năm 1990. Tuy nhiên, chương trình này luôn được giữ bí mật nên rất khó có thể đánh giá đúng tiến độ thực tế. Mặc dù vậy, hồi tháng 7 năm nay, Hội đồng Khoa học Quốc phòng (DSB), một nhóm chuyên gia tư vấn của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang "tiến bộ nhanh chóng, có thể đuổi kịp và cũng có thể qua mặt phương Tây trong lĩnh vực quan trọng và phát triển nhanh chóng này". DSB nhận định: "Quốc gia này có một tiềm năng công nghệ tuyệt vời, nguồn tài chính hầu như không giới hạn và rõ ràng họ đang tận dụng tất cả các thông tin hiện có về sự phát triển các hệ thống UAV của phương Tây". DSB còn cho hay Trung Quốc hiện đang triển khai kế hoạch "Thanh kiếm đen" nhằm chế tạo ra những thứ mà các cường quốc phương Tây chưa sản xuất được, chẳng hạn như UAV siêu âm có khả năng không chiến, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu ở mặt đất.

TRÍ VĂN (Theo Janpan Times)

Chia sẻ bài viết