19/02/2010 - 10:32

Mỹ toan tính gì khi cải thiện quan hệ với Syrie?

Thứ trưởng Ngoại giao William Burns ngày 17-2 đã trở thành quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ hội đàm trực tiếp với Tổng thống Bashar al- Assad ngay tại Thủ đô Damas của Syrie. Một ngày sau, quan chức ngoại giao phụ trách vấn đề chống khủng bố của Mỹ, ông Daniel Benjamin, cũng có các cuộc gặp với các quan chức an ninh Syrie. Trước đó, ngày 16-2, Nhà Trắng đã cử ông Robert Ford, người đang giữ chức phó đại sứ Mỹ tại Baghdad (Iraq), tới Damas làm đại sứ sau 5 năm rút khỏi quốc gia Trung Đông này vì nghi ngờ Syrie đứng đằng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafik al- Hariri hồi tháng 2-2005.

 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns (phải) tiếp xúc Tổng thống Syrie Bashar al- Assad tại Damas ngày 17-2. Ảnh: AP 

Ngoài những động thái ngoại giao kể trên, báo chí Mỹ và phương Tây còn cho biết, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và tình báo Syrie đã khôi phục chương trình hợp tác an ninh giữa hai nước. Đồng thời, theo Thời báo Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định không cản trở công dân Mỹ du lịch tới Syrie. Theo các quan chức ngoại giao Mỹ, một loạt những sự kiện mới này cho thấy Washington đang nỗ lực cải thiện quan hệ nhiều mặt với Damas.

Theo các nhà phân tích, Mỹ muốn đẩy nhanh việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Syrie nhằm gia tăng áp lực buộc nước này cắt quan hệ đồng minh thân cận với Iran, quốc gia đang tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân gây tranh cãi bất chấp những lời đe dọa cấm vận của Mỹ và đồng minh phương Tây. Ngoài ra, Washington hy vọng chính quyền Damas sẽ ngưng hậu thuẫn cho các phong trào kháng chiến Hồi giáo như Hamas tại Palestine và Hezbollah ở Liban, đồng thời giúp quản thúc các thành viên đảng Baath và kiểm soát vùng biên giới để ổn định tình hình chính trị, an ninh ở Iraq.

Các quan chức Nhà Trắng tuyên bố nếu Damas thực hiện các yêu cầu trên, họ có thể rút Syrie ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố” được áp đặt từ năm 1979, đồng thời xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt tài chính và thương mại chống Syrie, cũng như tìm cách thúc ép Israel trao trả Cao nguyên Golan và ký thỏa thuận hòa bình với người Palestine. Nhưng liệu Mỹ có thể khiển được Israel, một đồng minh không ít lần phớt lờ sức ép của Nhà Trắng trong các vấn đề Trung Đông, để thực hiện những toan tính của mình trong việc nối lại quan hệ ngoại giao với Syrie hay không thì hãy chờ xem.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP, BBC, Wtimes)

Chia sẻ bài viết