03/08/2010 - 09:40

Mỹ tiếp tục giương “ô tên lửa”

Tàu khu trục thế hệ Aegis của Mỹ tuần tra ở
Địa Trung Hải. Ảnh: AFP

“Ô hạt nhân” là cụm từ dùng để ám chỉ chính sách của Mỹ trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân để che chở đồng minh ở châu Âu và một số nước Đông Bắc Á thời kỳ Chiến tranh lạnh. Dù Chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn 2 thập niên, nhưng chính sách này cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại. Và trong bối cảnh mới, với chiêu bài ngăn chặn “nguy cơ từ Iran và CHDCND Triều Tiên”, giới cầm quyền Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và mở rộng sang Trung Đông, Nam Âu mà người Nga gọi chính sách này của Mỹ là “ô tên lửa”.

Báo Bưu điện Washington của Mỹ ngày 1-8 cho biết Lầu Năm Góc sắp đạt được thỏa thuận xây dựng một trạm radar quan trọng trên mặt đất, có thể ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bulgarie. Đây là trạm radar băng thông X cực mạnh như là bước khởi đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được đưa vào hoạt động trong năm tới. Mạng lưới radar này sẽ kết nối với các tàu khu trục và tuần dương hạm được trang bị tên lửa SM-3 và tên lửa đạn đạo vốn đã hiện diện trên các vùng Biển Đen và Địa Trung Hải từ năm ngoái. Cũng trên cơ sở của hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển này, Washington đã lắp đặt một trạm radar mặt đất ở Israel năm 2008 và đang tìm một địa điểm khác ở Vùng Vịnh. Các trạm radar này đang và sẽ cung cấp hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng từ Iran.

Trong giai đoạn tiếp theo vào năm 2015, Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đặt trên mặt đất tại Roumanie. Đến năm 2018, hệ thống này sẽ tiếp tục được đưa sang Ba Lan cùng với thế hệ bệ phóng tên lửa SM-3 và máy cảm biến mới. Năm ngoái, Ba Lan cũng đã cho phép Mỹ triển khai một căn cứ tên lửa Patriot. Và năm 2020, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ hoàn chỉnh với thế hệ tên lửa SM-3 tiên tiến được bổ sung. Để đảm bảo vai trò che chắn tên lửa của mình cho đồng minh, chính quyền Barack Obama đang có kế hoạch tăng gần gấp đôi với 38 đội tàu khu trục thế hệ Aegis được trang bị tên lửa đạn đạo vào năm 2015.

Có thể nói, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch là chống lại khả năng tấn công từ phía Liên Xô. Sau này, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại để phát triển dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush với mục đích mới là chống lại khả năng bị tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga. Tháng 9-2009, Tổng thống Barack Obama (sau khi nhậm chức 8 tháng) đã tuyên bố hoãn thực hiện kế hoạch triển khai 10 trạm radar ở CH Czech và các bệ phóng tên lửa ở Ba Lan. Người ta những tưởng Washington đã bỏ qua kế hoạch này. Nhưng rõ ràng thực tế đã không phải vậy, Mỹ vẫn muốn giương cái “ô tên lửa” đến sát nách con gấu Nga.

KIẾN HÒA
(Theo The Washington Post, RIA-Novosti và AFP)

Tàu khu trục thế hệ Aegis của Mỹ tuần tra ở Địa Trung Hải. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết