08/08/2024 - 20:07

Mỹ thiếu hụt tàu sân bay tại châu Á 

Theo các nhà phân tích quốc phòng, quyết định chuyển tàu sân bay USS Abraham Lincoln từ châu Á đến Trung Đông của Mỹ sẽ khiến Tây Thái Bình Dương trở nên dễ tổn thương cho đến khi một tàu sân bay mới được điều đến Nhật Bản vào cuối năm nay.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang trên đường đến Trung Đông. Ảnh: US Navy

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gần đây đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, đang hoạt động gần đảo Guam, tiến đến Trung Đông để thay thế USS Theodore Roosevelt. Trước đó, Iran tuyên bố sẽ tấn công trả đũa Israel, đồng minh thân cận của Mỹ, về vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh mà Tehran cáo buộc Tel Aviv đứng sau. Sự thay đổi trong bố trí quân sự nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của Israel, như  phát biểu hôm 5-8 của Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh.

Động thái này diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi chủ nhân Lầu Năm Góc chỉ đạo chiếc USS Theodore Roosevelt, lúc đó cũng đang triển khai ở Thái Bình Dương, thay thế tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower ở Biển Đỏ, giúp bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại và ngăn chặn nhóm Houthi. Tương tự như chiếc Eisenhower trước đó, tàu Roosevelt sẽ quay về Mỹ sau khi bị thế chỗ.

Hải quân Mỹ xác nhận với tờ Nikkei Asia rằng đang có một “khoảng trống tàu sân bay” ở Tây Thái Bình Dương. Trái ngược với kỳ vọng trước đó rằng tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ di chuyển về phía Tây từ Hawaii sau cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), chiến hạm này sẽ quay trở lại San Diego thuộc bang California. Tàu sân bay tiếp theo được triển khai tới Tây Thái Bình Dương sẽ là USS George Washington và nó dự kiến ​​sẽ đến thành phố Yokosuka ở Nhật Bản vào mùa thu.

Nói về khoảng trống tàu sân bay hiếm hoi ở khu vực mà Mỹ hy vọng có thể ngăn chặn sự mở rộng quân sự của Trung Quốc, Collin Koh, thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Singapore), cho biết Lầu Năm Góc kết luận rằng “ít nhất là tình hình ở Tây Thái Bình Dương hiện đang ổn định”. Điều này dựa trên căng thẳng ở Biển Đông đang lắng xuống kể từ khi Trung Quốc và Philippines đồng ý một thỏa thuận tạm thời, và tình hình xung quanh Đài Loan và bán đảo Triều Tiên “trong tầm kiểm soát”.

Tuy nhiên, ông Koh cảnh báo nếu một cuộc xung đột vũ trang toàn diện nổ ra ở châu Á, khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nhóm tác chiến tàu sân bay. Các tài sản trên đất liền rất hữu ích, nhưng chúng không có tính linh hoạt như lực lượng hải quân, và các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ là chốt chặn cho các tài sản đó.

Mỹ sở hữu hạm đội tàu sân bay lớn nhất thế giới với 11 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân (10 tàu lớp Nimitz và 1 tàu lớp Ford), nhưng nhiều chiếc trong số đó đang trong quá trình bảo dưỡng hoặc vừa mới trở về cảng nhà sau nhiều tháng triển khai. Hiếm khi có hơn 5 hoặc 6 tàu sân bay sẵn sàng triển khai bất kỳ lúc nào.

Giải bài toán thiếu hụt tàu sân bay

Trước tình hình trên, phương án đóng thêm tàu ​​sân bay đã được đề cập, nhưng có nhiều yếu tố khiến đây không phải là một lựa chọn.

Theo tờ The National Interest, ngày nay, chi phí trung bình để đóng một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là rất lớn, chẳng hạn như chiếc Gerald R. Ford lên tới hơn 13,3 tỉ USD. Ngoài ra còn phải tốn thêm hàng trăm triệu USD để bảo dưỡng. 

Độ phức tạp và chi phí đắt đỏ khiến các tàu sân bay không chỉ trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với các đối thủ, mà nếu bị hư hỏng nặng trong chiến đấu, chúng sẽ trở thành tài sản lãng phí. Mỹ vừa mất hàng tỉ USD vừa bị suy giảm đáng kể khả năng triển khai sức mạnh của hải quân. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực và vật liệu làm trầm trọng thêm vấn đề đóng thêm tàu ​​sân bay.

Chuyên gia quân sự Mỹ Peter Suciu gợi ý về giải pháp sử dụng các tàu sân bay nhỏ chạy bằng năng lượng thông thường để hỗ trợ các chiến hạm lớn hơn trong các hoạt động trên toàn cầu và lấp đầy những khoảng trống tàu sân bay hiện nay. Mỹ cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh có tàu sân bay nhỏ, như Nhật Bản.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết