28/06/2022 - 20:20

Mỹ “soi” Trung Quốc về đánh bắt cá trái phép 

MAI QUYÊN (Theo MSN News)

Trong động thái nhắm tới hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan liên bang cũng như với đối tác nước ngoài để thúc đẩy khai thác bền vững các đại dương trên thế giới.

Đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc. Ảnh: USNI News

Ngày 27-6, Nhà Trắng công bố bản ghi nhớ đầu tiên của Cơ quan An ninh Quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, 21 cơ quan được chỉ đạo tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp hành động thực thi pháp luật như trừng phạt và hạn chế thị thực; thúc đẩy hoạt động thực tiễn giữa những đồng minh quốc tế. Các yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng được thiết lập thông qua quy định mới từ Cơ quan Khí quyển và Ðại dương Quốc gia, mở rộng xác định đánh bắt IUU dựa trên theo dõi con người, lao động cưỡng bức và vi phạm các quyền lao động khác. Ðây là tiền đề giúp tăng cường thẩm quyền của Mỹ để đưa vào danh sách đen nước bị dán nhãn không tuân thủ tiêu chuẩn chống đánh bắt IUU.

Đại dương là của mọi người

Tại Hội nghị Đại dương Liên Hiệp Quốc diễn ra ở Lisbon (Bồ Đào Nha) nhằm tìm kiếm giải pháp khôi phục hệ sinh thái các đại dương toàn cầu vốn ngày càng suy yếu. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết, vùng biển quốc tế thuộc về tất cả mọi người nhưng có một số quốc gia vì lợi ích kinh tế riêng mà bỏ qua nhu cầu của toàn bộ hành tinh. 

Kế hoạch hành động còn kêu gọi mở rộng chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP) cho tất cả các loài thay vì khoảng một chục loài như hiện nay, yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp thông tin từ điểm khai thác như cá được đánh bắt tự nhiên hay nuôi trong trang trại, ngày và địa điểm đánh bắt, phương pháp cũng như loại giấy phép đánh bắt để đảm bảo thủy hải sản khai thác bất hợp pháp không lọt vào Mỹ. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, gần 11% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nước này năm 2019 trị giá 2,4 tỉ USD đến từ hoạt động đánh bắt IUU.

Một thông báo của Nhà Trắng còn cho biết Mỹ sẽ thành lập liên minh với Canada và Anh nhằm cải thiện kiểm soát và giám sát hành vi đánh bắt IUU. Trước đó, điều phối viên của Mỹ về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết các nước khu vực đang hợp tác thúc đẩy nỗ lực tuần tra và huấn luyện, chia sẻ công nghệ nhằm theo dõi các tàu đánh cá bất hợp pháp tắt bộ phát tín hiệu điện tử.

Nhắm tới Trung Quốc

Nỗ lực của Mỹ làm sạch chuỗi cung ứng thủy hải sản được các nhóm bảo tồn ủng hộ, nhưng có thể khiến Trung Quốc khó chịu giữa thời điểm cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa hai cường quốc. “Trung Quốc là nước đứng đầu về đánh bắt IUU trên toàn thế giới, cản trở các bước tiến nhằm đưa ra các biện pháp chống đánh bắt IUU và đánh bắt quá mức tại các tổ chức quốc tế” - theo một quan chức Mỹ.

Là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc thông qua chính sách cho vay cùng trợ cấp nhiên liệu (tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011) đã xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới. Bắc Kinh nói đội tàu của họ có 2.600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu ước tính con số ít nhất phải lên đến 17.000 với phần lớn không được đăng ký và hoạt động lén lút. Hầu hết tàu cá xa bờ của Trung Quốc là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt cả năm. Bên cạnh nguồn lợi hải sản, đội tàu cá Trung Quốc còn phục vụ cho mục đích tranh chấp chủ quyền biển.

Chia sẻ bài viết