Hôm nay 16-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu đi thăm Mexico trước khi đến Trinidad & Tobago tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 5 khai mạc vào ngày 17-4. Nếu như việc củng cố mối quan hệ láng giềng với Mexico có thể không gặp khó khăn gì, thì sự xích lại gần với Mỹ La-tinh, khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ, sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng đối với ông Obama.
Theo Tân Hoa Xã, chủ đề của hội nghị thượng đỉnh 34 quốc gia châu Mỹ lần này là “Đảm bảo tương lai của chúng ta thông qua thúc đẩy sự thịnh vượng của con người, an ninh năng lượng và phát triển bền vững môi trường”. Tuy nhiên, báo chí khu vực tin rằng cuộc họp 3 ngày này chủ yếu là cơ hội để mở ra trang sử mới trong quan hệ giữa Mỹ và Tây bán cầu. Và để thể hiện thiện chí của mình, vài ngày trước khi diễn ra hội nghị, Washington đã quyết định bãi bỏ các hạn chế du lịch và chuyển tiền về cố hương của người Mỹ gốc Cuba.
Mặc dù theo giải thích của ông Obama, biện pháp trên là cách thức tốt nhất để “giúp người dân Cuba giảm phụ thuộc vào chế độ Castro”, nhưng kỳ thực Nhà Trắng một lần nữa muốn chứng minh sự thay đổi trong chính sách đối ngoại mà ông Obama từng cam kết, không chỉ đối với Cuba mà cả Mỹ La-tinh và toàn thế giới. Nhà lãnh đạo gốc Phi này cũng bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ diễn ra trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và vì phẩm giá” giữa ông và các đối tác Mỹ La-tinh. Trong chuyến thăm Trung và Nam Mỹ hồi cuối tháng 3 vừa qua để dọn đường cho ông Obama đến Trinidad & Tobago, Phó Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố rằng thời nước Mỹ hành động đơn phương, chỉ biết nói mà không biết lắng nghe đã là quá khứ, và rằng nước Mỹ ngày nay chủ trương hợp tác và đối thoại với Mỹ La-tinh.
Và dĩ nhiên, một sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Tây bán cầu đòi hỏi phải có chất xúc tác mang lại lợi ích thiết thực, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Hơn lúc nào hết, các nước Mỹ La-tinh mong muốn Washington giảm bảo hộ mậu dịch để hàng hóa khu vực này có thể thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Mỹ. Mỹ là bạn hàng lớn nhất, chiếm khoảng 50% kim ngạch ngoại thương của Mỹ La-tinh, nên nếu Mỹ tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thì khu vực này sẽ bị tác động nặng nề. Một nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế đánh giá nếu như việc Mỹ La-tinh đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5%/năm trong 5 năm qua từng giúp 40 triệu người trong khu vực thoát khỏi tình trạng cực nghèo, thì sự sụt giảm 1% GDP do suy thoái toàn cầu hiện nay có thể khiến 15 triệu dân Mỹ La-tinh tái nghèo.
Do vậy, ngoài việc nới lỏng cấm vận đối với Cuba thì Tổng thống Obama còn phải bảo đảm tự do buôn bán mới mong hàn gắn được quan hệ với Mỹ La-tinh.
KIẾN HÒA
(Theo Xinhua, Le Monde, Reuters, Liberaton)