02/11/2012 - 09:15

Xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran

Mỹ, Pháp tiếp tục đẩy Israel ra xa ý định tấn công Iran

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang có chuyến thăm 2 ngày tại Pháp trong nỗ lực gia tăng sức ép đối với Iran xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Mặc dù gần đây giới lãnh đạo Israel đã có phần dịu giọng về cuộc chiến của Tel Aviv đối với Tehran, nhưng không phải vì thế mà Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, không ngừng nhắc nhở về hậu quả của cuộc tấn công phủ đầu có thể xảy ra.


Lời cảnh báo từ Washington

Một số tướng lĩnh chỉ huy quân đội Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo những người đồng cấp bên phía Israel rằng bất cứ hành động quân sự nào chống lại Iran cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến chiến lược của Mỹ tại Trung Đông bởi vấn đề Iran đang chia rẽ sâu sắc các nước đồng minh A-rập của Mỹ ở khu vực này. Lực lượng hải quân, không quân và bộ binh Mỹ phụ thuộc vào các căn cứ, hoạt động tiếp nhiên liệu và tiếp tế tại các quốc gia A-rập ở Vùng Vịnh, những nước đang quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, cũng chính các quốc gia A-rập này lo ngại trỗi dậy làn sóng chống Mỹ và Israel kéo theo cuộc chính biến kiểu "Mùa xuân A-rập" ngay trên lãnh thổ của họ nếu Israel tấn công Iran.

Tổng thống Pháp Hollande (trái) tiếp Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Haaretz 

Emile Hokayem, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đặt tại Bahrein đã nhận định: "Tôi không tin các quốc gia Vùng Vịnh sẽ cầu nguyện cho một cuộc tấn công do Israel phát động". Theo Hokayem, chiến dịch tấn công quân sự sẽ tạo ra những vấn đề khó khăn đối với họ (các nước Vùng Vịnh) về mức độ chính trị. Họ sẽ phải lên tiếng để lên án Israel và cũng muốn đứng ngoài cuộc chơi trên. Rủi ro của một cuộc chiến khu vực đối với họ là rất lớn.

François Hollande xoa dịu Netanyahu

Hôm 31-10, tại Paris, Tổng thống Pháp François Hollande đã có buổi tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang có chuyến công du 2 ngày đến quốc gia này nhằm tìm kiếm sức ép mạnh hơn đối với Iran.

Trao đổi với ông Netanyahu về vấn đề hạt nhân của Iran, người đứng đầu Điện Élysée cho rằng đó là mối đe dọa mà Pháp không thể chấp nhận. Song, Tổng thống Hollande cũng lên tiếng bác bỏ cuộc chiến quân sự chống Iran. Thay vào đó, ông Hollande thúc giục gia tăng các biện pháp cấm vận đi đôi với các cuộc đàm phán. "Chúng ta phải chắc rằng thông qua sức ép, các biện pháp cấm vận, và sau đó là các cuộc đàm phán, Iran sẽ từ bỏ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân"- Tổng thống Hollande nêu rõ quan điểm của Paris.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng các biện pháp cấm vận đã không thể ngăn cản Iran theo đuổi chương trình hạt nhân của họ, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia A-rập sẽ thấy "yên tâm" hơn nếu Tehran ngưng "chế tạo bom nguyên tử".

Cũng trong cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Hollande cho rằng ông muốn thấy "những hành động cụ thể" từ phía Iran để chứng minh rằng họ không theo đuổi mục đích phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, ông Hollande cũng đã kèm theo cảnh báo cứng rắn rằng Paris sẽ ủng hộ các "biện pháp cấm vận mới" nếu các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran không có chuyển biến tích cực.

Thủ tướng Netanyahu từ lâu cáo buộc Iran với chương trình hạt nhân là mối đe dọa lớn đối với nhà nước Do Thái và nhiều lần đe dọa sẽ tiến hành chiến dịch quân sự chống Tehran, khiến Mỹ và đồng minh phương Tây lo lắng những hậu quả khôn lường của hành động này.

THANH BÌNH
(Theo Guardian, AP, Daily Times)

Chia sẻ bài viết