14/08/2020 - 06:44

Mỹ nhắm mục tiêu Viện Khổng Tử 

Trong bước đi nhằm tăng cường giám sát các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại xứ cờ hoa, Mỹ vừa yêu cầu các cơ sở này phải đăng ký dưới dạng “cơ quan đặc vụ nước ngoài”.

Một buổi học vẽ tại Viện Khổng Tử thuộc Đại học George Mason, Mỹ. Ảnh: AP

Một buổi học vẽ tại Viện Khổng Tử thuộc Đại học George Mason, Mỹ. Ảnh: AP

Hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ có nội dung yêu cầu các Viện Khổng Tử ở nước này phải đăng ký là “cơ quan đặc vụ nước ngoài”. Điều đó có nghĩa các Viện Khổng Tử bị xếp vào nhóm đơn vị được một chính phủ nước ngoài “sở hữu hoặc kiểm soát chặt chẽ”, nên phải tuân theo những yêu cầu hành chính tương tự như đối với các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Viện Khổng Tử là một tổ chức hợp tác giữa Trung Quốc với các trường đại học tại nhiều nước trên thế giới. Các cơ sở này nằm dưới sự quản lý của Văn phòng Hán Biện thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Theo chính quyền Bắc Kinh, mục tiêu của Viện Khổng Tử là quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, hỗ trợ hoạt động dạy tiếng Hoa trên thế giới và khuyến khích trao đổi, giao lưu văn hóa. Tại đây, các lớp học thư pháp, văn hóa, nấu ăn, võ thái cực quyền được tổ chức. Ngoài ra, Viện Khổng Tử cũng tài trợ cho các hoạt động trao đổi giáo dục và tổ chức sự kiện cho công chúng tham gia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mở gần 1.200 lớp học Khổng Tử tại các trường trung học và tiểu học trên khắp thế giới.

Hồi tháng 5 năm nay, Thụy Điển đã cho đóng cửa toàn bộ các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại nước này, mà một trong những nguyên nhân là lo ngại về an ninh. Các trường đại học ở Pháp, Canada và Đức cũng đã có hành động tương tự. Năm 2019, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Úc đã chấm dứt chương trình dạy tiếng Hoa do Trung Quốc tài trợ tại 13 trường học công lập do lo ngại nguy cơ nước ngoài can dự vào vấn đề nội bộ. Đáng nói, NSW là nơi đầu tiên trên thế giới cho phép Viện Khổng Tử hoạt động trong chính cơ quan giáo dục của bang.

Viện Khổng Tử đầu tiên ra đời tại Hàn Quốc vào năm 2004. Tính đến nay, Trung Quốc thành lập khoảng 550 Viện Khổng Tử trên toàn cầu, trong đó 80 cơ sở nằm trong khuôn viên các trường đại học Mỹ. Mặc dù các trung tâm này thường tránh xa những vấn đề về lịch sử và chính trị, nhưng lâu nay chúng cũng là mục tiêu chỉ trích. Nhiều nghị sĩ Mỹ như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cảnh báo Viện Khổng Tử thực chất là công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Bởi vậy, ông Rubio thúc giục các trường học chấm dứt thỏa thuận với viện này. Một số trường đại học lớn ở Mỹ, bao gồm Đại học bang Pennsylvania và Chicago, đã ngừng hợp tác với Viện Khổng Tử sau khi các giáo sư phàn nàn về cái gọi là sản phẩm tuyên truyền của Trung Quốc “đội lốt” chương trình giáo dục ngôn ngữ và văn hóa. Bộ Ngoại giao Mỹ từng cáo buộc Viện Khổng Tử là “nền tảng quyền lực mềm mạnh mẽ nhất của Trung Quốc”.

Hồi năm ngoái, Thượng viện Mỹ đã công bố kết quả điều tra hoạt động của các Viện Khổng Tử trên khắp nước này. Báo cáo kết luận Viện Khổng Tử là phương tiện tuyên truyền của Trung Quốc, qua đó đề nghị cơ sở này phải thay đổi hoặc đóng cửa. Giới điều tra cho rằng Chính phủ Trung Quốc kiểm soát gần như mọi khía cạnh của các Viện Khổng Tử tại Mỹ, bao gồm nguồn tài trợ, đội ngũ nhân viên và soạn thảo chương trình. Tài liệu thậm chí còn đặt ra câu hỏi liệu các nhân viên của Viện Khổng Tử có nên bị buộc đăng ký giống đặc vụ nước ngoài hay không. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chỉ trích báo cáo là “cáo buộc vô căn cứ” và “chính trị hóa” Viện Khổng Tử. Trung Quốc tháng rồi đã từ bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử sau khi vấp phải làn sóng phản đối, đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Đào tạo Ngôn ngữ.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết