22/09/2012 - 08:36

Mỹ - New Zealand tăng cường hợp tác quân sự

Bộ trưởng Panetta tại buổi duyệt binh khi đến thăm thành phố Auckland ngày 21-9. Ảnh: AP

Ngày 21-9, trong chuyến thăm New Zealand lần đầu tiên kể từ 30 năm qua, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố Lầu Năm Góc đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm tàu hải quân hoàng gia New Zealand đến thăm các cơ quan quân sự và cứ điểm đồn trú của lực lượng tuần duyên Mỹ ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Quan hệ quân sự Mỹ - New Zealand

Phát biểu trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Jonathan Coleman tại thành phố Auckland, ông chủ Lầu Năm Góc Leon Panetta cho biết quyết định trên sẽ tạo thuận lợi hơn để quân đội hai nước thảo luận các vấn đề an ninh và tiến hành các cuộc tập trận chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao khả năng ứng phó các thách thức chung. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hiệp ước an ninh Mỹ-New Zeland (ANZUS) bị "treo" năm 1986 vì chính sách phi hạt nhân của chính quyền Wellington, Washington mới cho phép Hải quân Hoàng gia New Zealand được trực tiếp tiếp xúc với các cơ quan quốc phòng của Mỹ.

Quan hệ quân sự giữa hai nước đã bắt đầu được cải thiện từ năm 2003 khi New Zealand lần đầu tiên đưa vài trăm binh sĩ sang giúp Mỹ tái thiết Afghanistan thời hậu Taliban còn đầy bất ổn an ninh. Mối quan hệ này càng thân thiện hơn khi đảng Dân tộc trung hữu lên cầm quyền tại quốc gia châu Đại Dương này từ năm 2008. Tháng 7-2012, hai nước đã đồng ý tổ chức các cuộc đối thoại quốc phòng cấp cao thường xuyên và hợp tác trên lĩnh vực an ninh, chống khủng bố và duy trì hòa bình. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã đến New Zealand tham gia huấn luyện hồi đầu năm nay và mời tàu chiến hải quân nước này tham gia cuộc tập trận đa quốc gia thuộc các nước Vành đai Thái Bình Dương (Rimpac) hồi tháng 7 vừa qua.

New Zealand trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ

Hãng tin Mỹ AP cho rằng mối quan hệ quân sự đang được thúc đẩy với New Zealand là một phần trong chiến lược quân sự mới của Lầu Năm Góc nhằm tái tập trung tàu chiến và binh lính vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ nhận thấy New Zealand có các mối quan hệ gần gũi với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, nơi mà Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa thực hiện chuyến công du trong nỗ lực tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc tại đây.

Ernest Bower, nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, nhận định: "New Zealand có thể mang đến nhiều điều đặc biệt cho Mỹ. Nước này có sự hiểu biết và gắn bó sâu sắc nhất ở Thái Bình Dương". Ngoài ra, New Zealand là quốc gia đang có lợi ích và vai trò trên vùng biển băng giá Nam Cực còn nhiều tranh chấp.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters)

Mỹ rút toàn bộ quân tăng viện khỏi Afghanistan

Tại New Zealand, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết toàn bộ 33.000 binh sĩ nhận lệnh của Tổng thống Barack Obama tăng viện cho liên quân ở Afghanistan hồi năm 2009 đã rút về nước từ ngày 21-9. Ông cho rằng việc tăng cường này "đã đạt được mục tiêu đánh bại sự trỗi dậy của Taliban trên chiến trận, đồng thời giúp nâng cao khả năng và số lượng của lực lượng an ninh Afghanistan".

Tuy nhiên, theo AP, nhiều quan chức quân sự Mỹ, trong đó có Tổng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, cảnh báo rằng sự rút quân tăng viện là "một mối đe dọa rất nghiêm trọng" trước ngày liên quân rút toàn bộ lính chiến đấu ra khỏi Afghanistan vào năm 2014, dù hiện tại Mỹ vẫn duy trì 68.000 lính chiến bên cạnh hàng chục ngàn binh sĩ đồng minh và NATO.


Bộ trưởng Panetta tại buổi duyệt binh khi đến thăm thành phố Auckland ngày 21-9. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết