31/10/2023 - 22:55

Mỹ mua hải sản “giúp” Nhật Bản 

Nhằm giảm tác động của lệnh cấm nhập khẩu mà Trung Quốc áp lên Nhật Bản, Hãng tin Reuters cho biết Mỹ đã thương lượng với Tokyo về việc hợp tác với các ngư trường địa phương để cung cấp hải sản cho lực lượng vũ trang đang đồn trú ở đó.

Nhân viên tại Cảng Hisanohama bọc cá mẫu gửi đến nhóm chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cùng các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada. Ảnh: Reuters

Nhân viên tại Cảng Hisanohama bọc cá mẫu gửi đến nhóm chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cùng các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada. Ảnh: Reuters

Sau thảm họa kép động đất và sóng thần vào năm 2011, đơn vị vận hành nhà máy điện Fukushima Daiichi, Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO) phải xử lý khoảng 1.000 bể thép chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng làm mát lò phản ứng. Công suất của các bể này hiện ở mức 98% và dự kiến đạt giới hạn vào đầu năm 2024. Nhằm hạn chế nguy cơ rò rỉ, Nhật Bản cuối tháng 8 bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. Mặc dù được cộng đồng khoa học ủng hộ, kế hoạch của Tokyo vẫn bị một số nước phản đối. Trong đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản. Vào tháng 7, Bắc Kinh cũng cấm nhập thực phẩm từ 10/47 tỉnh Nhật Bản.

Để trấn an, TEPCO cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bị ảnh hưởng và tuyên bố sẽ nỗ lực để dỡ bỏ lệnh cấm của Trung Quốc. Bất chấp lời giải thích khoa học được đưa ra, Bắc Kinh đến nay không thay đổi quyết định. Tuy không đề cập đến Trung Quốc, cuộc họp của các bộ trưởng thương mại Nhóm các cường quốc công nghiệp (G7) cuối tuần rồi đã ra tuyên bố kêu gọi việc “bãi bỏ ngay lập tức” những biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thực phẩm Nhật Bản. Tuyên bố cũng lên án cái gọi là “sự ép buộc kinh tế” ngày càng tăng thông qua thương mại.

Trong diễn biến mới nhất, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết cách tốt nhất để giảm sức ép kinh tế của Trung Quốc là cung cấp và hỗ trợ những quốc gia hoặc ngành bị nhắm đến. Trong trường hợp này, ông Emanuel cho biết lực lượng vũ trang Mỹ sẽ ký hợp đồng dài hạn với các ngư trường và hợp tác xã ở Nhật Bản. Hải sản sau đó được cung cấp cho nhà ăn, các tàu quân sự hoặc được bán trong các cửa tiệm và nhà hàng tọa lạc trong các căn cứ. Giao dịch đầu tiên của Mỹ là thu mua sò điệp. Ông Emanuel cho biết số lượng và các loại hải sản sẽ được mở rộng theo thời gian.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết