02/02/2023 - 22:43

Mỹ mở lại đại sứ quán tại Solomon 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Hãng tin AP cho biết Mỹ đã mở lại đại sứ quán tại Quần đảo Solomon hôm 2-2 trong động thái mới nhất nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương. Theo AP, đại sứ quán này có quy mô nhỏ, gồm một đại biện lâm thời, một vài nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và một số ít nhân viên địa phương.

Các quan chức Quần đảo Solomon và Mỹ tại lễ mở cửa Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: RNZ

Các quan chức Quần đảo Solomon và Mỹ tại lễ mở cửa Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: RNZ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một tuyên bố hôm 1-2 cho hay phái bộ mới của Mỹ tại thủ đô Honiara được xây dựng dựa trên “nỗ lực không chỉ bố trí thêm nhân viên ngoại giao trên khắp khu vực mà còn gắn kết hơn nữa với các quốc gia láng giềng Thái Bình Dương”.

Động thái trên được Washington đưa ra sau khi Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka cân nhắc việc đánh giá lại một số khía cạnh trong cam kết của Suva đối với Bắc Kinh. Ông Rabuka gần đây nói với tờ The Fiji Times rằng ông dự định chấm dứt thỏa thuận trao đổi và huấn luyện cảnh sát với Trung Quốc.

Trước đây, Mỹ từng điều hành một đại sứ quán ở Quần đảo Solomon trong vòng 5 năm trước khi đóng cửa vào năm 1993 trước xu hướng cắt giảm các cơ quan ngoại giao trên toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, những động thái táo bạo của Trung Quốc tại khu vực đã khiến Mỹ và đồng minh, đặc biệt là Úc, tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại các quốc đảo nhỏ, nghèo ở Nam Thái Bình Dương như Papua New Guinea, Fiji và Vanuatu theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như tặng vaccine phòng COVID-19, cam kết giúp các nước này chống lại tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp ở những vùng biển rộng lớn, hỗ trợ họ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mỹ còn đưa các tình nguyện viên của chương trình tình nguyện Đoàn Hòa bình trở lại một số quốc đảo và đẩy mạnh đầu tư vào các dự án lâm nghiệp và du lịch tại khu vực. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 năm ngoái đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại thủ đô Washington với sự tham dự của hơn một chục nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.

Washington đã thông báo kế hoạch mở cửa lại đại sứ quán tại Solomon sau khi quốc đảo này hồi tháng 4 năm ngoái ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, vốn làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực. Theo dự thảo rò rỉ trước đó, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon. Thỏa thuận cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này. 

Ngoài hiệp ước an ninh nói trên, Trung Quốc còn nhiệt tình “hỗ trợ” Solomon. Theo tờ Guardian, chính quyền quốc đảo này hồi tháng 9 năm ngoái đã được Bắc Kinh cho vay ưu đãi 66 triệu USD. Đây là khoản vay đầu tiên từ Trung Quốc từ khi Honiara chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019. Khoản vay này được cho là một dấu mốc lớn trong quan hệ giữa Solomon và Trung Quốc.

Guardian cho hay, Solomon dùng khoản vay nói trên để xây 161 tháp liên lạc di động do Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc cung cấp thiết bị. Tuy nhiên, việc Huawei đảm trách xây dựng các tháp di động này khiến các nước trong khu vực báo động, đặc biệt là Úc. Canberra đã cấm Huawei tham gia các hợp đồng với Chính phủ Úc để xây dựng hạ tầng tại xứ chuột túi vì lo ngại an ninh. Các đồng minh khác của Úc như Mỹ và Anh cũng đã có những lệnh cấm đối với Huawei vì lo ngại mối liên hệ tiềm tàng của tập đoàn này với chính quyền Bắc Kinh.

Chia sẻ bài viết