04/01/2014 - 21:54

Mỹ “lách” luật, cứu chương trình máy bay F-35

Một chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ảnh: Reuters

Hãng tin Anh Reuters hôm 3-1 tiết lộ Lầu Năm Góc đã nhiều lần bỏ qua luật cấm dùng thiết bị do Trung Quốc sản xuất để duy trì chương trình máy bay chiến đấu F-35 của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin đi đúng tiến độ trong các năm 2012 và 2013, bất chấp việc nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại về hoạt động gián điệp và tăng cường quân sự của Bắc Kinh.

Cụ thể, giám đốc phụ trách các vấn đề mua sắm Bộ Quốc phòng Mỹ - Frank Kendall đã cho phép cho 2 nhà cung cấp F-35 là tập đoàn chế tạo vũ khí Northrop Grumman và tập đoàn Honeywell sử dụng các nam châm Trung Quốc trong hệ thống radar, bánh xe hạ cánh và nhiều phần cứng khác của chiến đấu cơ mới.

Theo lý giải của ông Kendall, việc bỏ qua lệnh cấm trên là cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, thử nghiệm và huấn luyện dòng máy bay chiến đấu mới nhất của Lầu Năm Góc, tránh thiệt hại hàng triệu USD cho khâu trang bị lại, ngăn chặn việc trì hoãn kế hoạch của hải quân Mỹ đưa F-35 vào biên chế giữa năm 2014. Ngoài ra, quyết định này còn giúp Washington tiết kiệm khoản chi phí 10,8 triệu USD và 25.000 giờ làm để tháo bỏ và thay thế nam châm Trung Quốc.

Trong các tài liệu mà Reuters nắm giữ, ông Kendall nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình F-35 là nhằm đảm bảo ưu thế quân sự của Mỹ và chống lại các mối đe dọa mới nổi từ các quốc gia cũng đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình riêng (trong đó có Nga và Trung Quốc). Ông cũng nói rõ việc chậm trễ thêm sẽ buộc Mỹ và các đồng minh phải duy trì máy bay chiến đấu đời cũ bay lâu hơn, dễ dẫn tới chi phí bảo dưỡng cao hơn.

Được biết, chương trình phát triển F-35 của Lockheed Martin hiện là chương trình vũ trang tốn kinh phí nhất của Lầu Năm Góc với chi phí 392 tỉ USD, cung cấp cho Mỹ và 8 nước tài trợ chi phí phát triển (gồm Anh, Canada, Úc, Ý, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Hà Lan). Israel và Nhật cũng đã đặt hàng máy bay F-35 từ Mỹ. Tuy nhiên, chương trình này đã chậm tiến độ được vài năm và "ngốn" 70% chi phí ước tính ban đầu.

ĐINH NHI (Theo Reuters)

 

Chia sẻ bài viết