18/11/2023 - 15:29

Mỹ khẳng định vai trò tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương 

Trong sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ Washington “có mọi quyền” để hiện diện ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Yahoo News

Phát biểu trước hơn 1.000 lãnh đạo các công ty dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO) APEC 2023 ngày 16-11, Tổng thống Biden tiết lộ trong cuộc gặp trước đó với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chất vấn tại sao Washington lại can dự nhiều đến vậy ở Thái Bình Dương. Trả lời câu hỏi này, ông Biden tái khẳng định Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương và sự hỗ trợ của Washington giúp đem lại hòa bình - an ninh cho khu vực. Qua đây, ông tuyên bố Mỹ có mọi quyền để hiện diện ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. “Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết với tương lai của khu vực và ngược lại. Vì vậy, chúng tôi sẽ không đi đâu cả” - chính trị gia 81 tuổi tuyên bố.

Trong khi nhấn mạnh sự lãnh đạo của Mỹ, Tổng thống Biden nói thêm Nhà Trắng đang tìm cách quản lý quan hệ căng thẳng với Trung Quốc một cách có trách nhiệm. Washington thừa nhận khác biệt với Bắc Kinh trong duy trì sân chơi kinh tế công bằng và bình đẳng, bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Nhưng Mỹ không có ý “tách khỏi” Trung Quốc như nhiều người lo ngại, thay vào đó nước này đang áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa. “Quan hệ ổn định giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là tốt cho tất cả mọi người” - ông Biden khẳng định.

Trong nỗ lực gửi đi thông điệp rõ ràng về vai trò của Washington trên toàn cầu, Tổng thống Biden không dè dặt khi nói rằng Mỹ và nhiều nước láng giềng ở Thái Bình Dương sẽ mang đến cho các doanh nghiệp lựa chọn tốt hơn Trung Quốc. Nhấn mạnh quan hệ chặt chẽ của Washington với các nền kinh tế APEC, Tổng thống Biden cam kết Washington tiếp tục nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh tế trên toàn khu vực. Theo Hãng tin AP, các thành viên APEC đã đầu tư 1,7 ngàn tỉ USD vào nền kinh tế xứ cờ hoa và hỗ trợ khoảng 2,3 triệu việc làm cho người Mỹ. Ngược lại, các công ty Mỹ đầu tư khoảng 1,4 ngàn tỉ USD vào các nền kinh tế APEC.

Tầm nhìn khác biệt

Các thành viên APEC đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là đối thủ chiến lược cạnh tranh vị thế kinh tế, quân sự và ngoại giao. Trong bối cảnh này, lãnh đạo 2 bên đã kêu gọi một nền kinh tế mở và đa dạng về thương mại. Nhưng họ lại có những tầm nhìn hoàn toàn khác nhau. Hiện mối quan tâm của Nhà Trắng là bảo vệ sự tăng trưởng và các giá trị Mỹ; tương lai phát triển tài sản trí tuệ, môi trường, quyền của người lao động và tăng trưởng kinh tế từ dưới lên để không ai bị bỏ lại phía sau. Các tiêu chuẩn được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt chỉ trích phớt lờ lợi ích cộng đồng địa phương trong sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường”.

Ðáp lại, Chủ tịch Tập trong văn bản gởi đến hội nghị CEO APEC, kêu gọi khu vực vượt lên “tâm lý lỗi thời” về đối đầu và trò chơi có tổng bằng không. Ông cũng phản đối hành vi kích động đối kháng, chính sách “làm hại láng giềng” hoặc chiến thuật “sân nhỏ và hàng rào cao”. Không đề cập Mỹ, nhưng ông Tập đánh vào điểm yếu chính trong chiến lược kinh tế khu vực của Washington với cam kết mở cửa và thúc đẩy xây dựng khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nhìn chung, giới doanh nghiệp hoan nghênh nỗ lực hòa hợp giữa Mỹ - Trung Quốc và đánh giá cao kết quả kinh tế gần đây của xứ cờ hoa. Song, sự hiện diện về đầu tư và cơ sở hạ tầng của Mỹ bị cho chưa đủ ấn tượng. Theo khảo sát gần đây, đa số người Mỹ cũng tin Washington phải làm nhiều hơn để chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, các hoạt động kinh tế phản cạnh tranh và vai trò của Trung Quốc  trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

MAI QUYÊN (Theo SCMP, CNA)

 

Chia sẻ bài viết