29/10/2024 - 17:57

Đề xuất giải pháp giúp đẩy mạnh canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp 

(CT) - Ngày 29-10, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cùng các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm “Giải pháp canh tác lúa chất lượng cao (CLC), phát thải thấp (PTT) tại vùng ĐBSCL”. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, các Sở NN&PTNT và đơn vị thuộc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhiều nông dân.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các đơn vị có liên quan cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa CLC, PTT gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC). Thông tin về những thuận lợi, khó khăn và các kết quả đạt được tại các mô hình thí điểm triển khai Đề án đã được triển khai từ vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Qua đó, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh nhân rộng, phát triển mô hình thí điểm trong thời gian tới. Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường cũng đã giới thiệu các chương trình, dự án và mô hình đang được các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện nhằm phát triển sản xuất lúa CLC, PTT, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu, định hướng của Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC.

Để đẩy mạnh nhân rộng các mô hình thí điểm, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm lúa gạo, đồng thời giảm được phát thải khí nhà kính, nhiều đại biểu kiến nghị, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của các bên có liên quan. Chú ý hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn trong quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ, nhất là việc thực hiện đưa rơm rạ ra khỏi đồng để sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Vận động nông dân thay đổi thói quen gieo sạ dày và sử dụng các loại vật tư đầu vào quá mức cần thiết. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đầu tư, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, thủy lợi và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, cải tiến các công nghệ và máy móc cơ giới cho phù hợp thực tế đồng ruộng tại vùng ĐBSCL để giúp nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất lúa CLC, PTT theo Đề án. Thực hiện các giải pháp cải tạo đất để giảm bón phân hóa học và giảm được phát thải như sử dụng than sinh học được chế biến từ các phụ phẩm trong sản xuất lúa để cải tạo đất; dùng bèo hoa dâu để hấp thụ các-bon và làm phân bón hữu cơ sinh học cho lúa…

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay đã có 7 mô hình thí điểm triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC được thực hiện tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Các mô hình đã giúp nông dân nâng cao lợi nhuận thêm 2,3-7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Nông dân giảm được 40-50% lượng giống, giảm từ 30-40% lượng nước tưới, giảm 3-4 lần phun thuốc, giảm phát thải khí nhà kính từ 3,9-12 tấn CO2 tương đương/ha…

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết