22/04/2025 - 11:16

An toàn thực phẩm trong kinh doanh 

Nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố ngày càng tăng cao. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) được xem là yêu cầu cấp thiết. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, ăn uống phải là những người đi đầu trong việc chấp hành, lan tỏa và gìn giữ ATTP.

Khu kinh doanh thực phẩm chế biến tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Nâng cao vai trò, trách nhiêm thực thi pháp luật

Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP Cần Thơ phối hợp UBND quận Ninh Kiều tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” được khởi động từ ngày 15-4 đến 15-5.

Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho rằng, lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2025 là điểm nhấn, đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không an toàn. Thông qua Tháng hành động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Trên địa bàn quận Ninh Kiều có hơn 2.000 cơ sở thực phẩm, trong đó có 107 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 1.173 cơ sở dịch vụ ăn uống, 20 căn tin và 65 bếp ăn tập thể, khoảng 1.027 cơ sở thức ăn đường phố. Nhiều năm liền trên địa bàn quận không xảy ra ngộ độc thực phẩm, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê, trong năm 2024, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 2.424 cơ sở, kết quả có 2.410 cơ sở đạt, 14 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt hơn 137 triệu đồng.

TP Hồ Chí Minh được xem là đầu mối hàng hóa lớn cho khu vực phía Nam và cả nước. Do vậy, việc đẩy mạnh kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố được xem là rất quan trọng.

Xuất phát từ nhu cầu thị trường nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và trách nhiệm, tháng 3-2024, Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa  “Tick xanh trách nhiệm”. Chương trình nhằm tạo ra chuỗi cung ứng bền vững - an toàn - trách nhiệm - minh bạch, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và cơ quan nhà nước. Sau 1 năm triển khai, chương trình  đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của nhà cung cấp, có quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Hiện có khoảng 100 nhà cung cấp ký kết tham gia với 11 hệ thống phân phối lớn gồm: Saigon Co.op, Satra, Aeon, Central Retail, MM Mega Market, Bách hóa Xanh, Wincommerce, King Food Market, LOTTE Mart, GS25, Genshai.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” có ý nghĩa quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa và giúp cho việc xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững và qua đó giúp sàng lọc những nhà cung cấp, những đơn vị sản xuất thiếu trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng. Hiện nay các cơ chế trong quản lý cũng như các văn bản còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tạo ra một sân chơi để làm sao tất cả các chủ thể cùng tham gia và chủ động nâng trách nhiệm của mình lên và có cam kết để thực hiện là hết sức quan trọng. Ðiều này đòi hỏi cần phải có những đơn vị có lợi thế, có thế mạnh, có uy tín, có thương hiệu tham gia chương trình ngay từ đầu và mang tính dẫn dắt.

Chung tay đảm bảo ATTP

Nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố là yêu cầu cấp thiết và lâu dài.

Ông Cao Nhật Hào, đại diện chuỗi cửa hàng trà sữa Chin Milktea & Macchiato cho biết, ngay từ khi thành lập, đơn vị xác định ATTP là nền tảng sống còn của cơ sở, là điều kiện để giữ khách hàng dài lâu. Tại cơ sở luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP như nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; quy trình sơ chế, chế biến bảo quản tuân thủ nghiên ngặt theo hướng dẫn; không sử dụng chất cấm, phụ gia ngoài danh mục cho phép; không tái sử dụng nguyên liệu thừa, quá hạn, hư hỏng; nhân viên được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm,…

“Thực phẩm không an toàn không chỉ là mối nguy cho người tiêu dùng mà là dấu chấm hết cho uy tín và sự tồn tại của bất kỳ cơ sở kinh doanh nào”, ông Cao Nhật Hào, nhấn mạnh.

Với quy mô rộng khắp trên hơn 800 điểm bán trên toàn quốc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op (chủ quản hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Sense Market, Co.op Online) luôn khẳng định định hướng phát triển bền vững và cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp sản phẩm đạt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

Ông Dương Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ: Saigon Co.op đảm bảo hàng hóa kinh doanh trong hệ thống chất lượng, đầy đủ và rõ ràng về nguồn gốc, tuyệt đối không kinh doanh các hàng hóa không đảm bảo nguồn gốc và không đạt chất lượng. Ðồng thời, đơn vị tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát ngăn chặn và phòng ngừa các phát sinh liên quan đến chất lượng hàng hóa, tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các đơn vị/mô hình kinh doanh trong hệ thống.

Saigon Co.op đã xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp và nghiêm ngặt, áp dụng từ giai đoạn sản xuất, thu hoạch, vận chuyển cho đến khâu phân phối. Tại từng điểm bán, bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra các yếu tố bảo quản, nhiệt độ, quy cách đóng gói và sử dụng thiết bị chuyên dụng để đánh giá chất lượng sản phẩm. Không dừng lại ở đó, đơn vị còn thực hiện kiểm định ngẫu nhiên sản phẩm tại các điểm bán, triển khai hoạt động xe kiểm nghiệm lưu động để giám sát chất lượng hàng hóa định kỳ để đảm bảo các hàng hóa đều được kiểm soát chất lượng, an toàn trước khi phân phối đến các đơn vị kinh doanh trong hệ thống. 

Song song đó, Saigon Co.op triển khai chương trình quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm, đây có thể nói là một bước tiến quan trọng và mang tính tiên phong của Saigon Co.op trong việc quản lý nguồn hàng đảm bảo chất lượng. Chương trình nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững, nâng cao vai trò của tổ chức/cá nhân/người sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân tại các địa phương có vùng nguyên liệu của Saigon Co.op. Ðồng thời, với cam kết tiêu thụ ổn định, hỗ trợ đầu ra cho các đơn vị tham gia.

Với chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, đại diện Saigon Co.op cho biết, tháng 9-2024, đơn vị đã thực hiện công bố Quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op. Theo đó, Saigon Co.op đã ký kết với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu giai đoạn 1, đến từ 6 tỉnh, thành gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Ðồng, Ðồng Tháp và Tiền Giang. Trong giai đoạn sắp tới, Saigon Co.op sẽ mở rộng quy hoạch ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, tùy theo điểm mạnh của từng địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu cho từng loại sản phẩm. Từ đó sẽ chọn nhà cung cấp có thế mạnh ở địa phương (thế mạnh sản xuất, thu mua, am hiểu thị trường, am hiểu quy trình phân phối, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng mà Saigon Co.op đặt ra và tiêu chuẩn chung…). Về phía nhà cung cấp sẽ cam kết về nguồn hàng, tiêu chuẩn chất lượng cho kênh phân phối của Saigon Co.op ở trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, Saigon Co.op sẽ tiến hành ứng vốn cho nhà cung cấp đầu tư sản xuất.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết