(CTO) - Năm 2025, dự kiến hoàn thành 206km. Đến năm 2027, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có 553km đường bộ cao tốc.
Chiều 21-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các địa phương, các doanh nghiệp có liên quan về tình hình triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL.
(1).webp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp chiều 21-4. ảnh: CTV
Năm 2025, hoàn thành 206km cao tốc tại ĐBSCL
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL có 2 nút thắt cơ bản là giao thông và nhân lực, Đảng và Nhà nước rất quan tâm dành nhiều nguồn lực để gỡ 2 nút thắt cho vùng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng và đào tạo nhân lực cho vùng.
Thủ tướng cho biết, qua khảo sát 2 tuyến cao tốc tại ĐBSCL cho thấy các khó khăn cơ bản đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đi kèm với đảm bảo chất lượng công trình, không để đội vốn, đội giá, không để tiêu cực, tham nhũng. Tới 19-12-2025 phải khánh thành tuyến Cần Thơ - Cà Mau để nối thông suốt cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà báo cáo tiến độ các dự án thực hiện tại ĐBSCL. Ảnh: CTV
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 cả nước có 5.000km cao tốc. Trong đó, vùng ĐBSCL là 1.256km cao tốc đường bộ quy mô từ 4-10 làn xe, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Giai đoạn trước năm 2021 đã hoàn thành 121km trục dọc tại ĐBSCL. Vùng đang ĐBSCL triển khai 10 dự án/dự án thành phần (DATP) cao tốc với tổng chiều dài 432km (gồm 216km trục dọc phía Đông, trục dọc phía Tây và trục ngang 216km). Năm 2025, dự kiến hoàn thành 206km cao tốc, gồm tuyến Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau 110km; DATP1 Cao Lãnh - An Hữu 16km. Đến năm 2027, vùng ĐBSCL sẽ có 553km đường bộ cao tốc.


Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, một số dự án có tiến độ đáp ứng yêu cầu, gồm: Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: DATP 1 sản lượng đạt 47%, DATP 3 đạt 37%, Cao Lãnh - Lộ Tẻ đạt 58%, cầu Rạch Miễu 2 đạt 84,38%. Các dự án còn lại tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian đầu còn thiếu hụt nguồn vật liệu đắp, một số nhà thầu còn chậm trong công tác tổ chức thi công gồm: Cần Thơ - Cà Mau sản lượng đạt 66%/70% kế hoạch, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: DATP 2 đạt 31%/42%, DATP 4 đạt 31%/40%, Cao Lãnh - An Hữu: DATP 1 đạt 59,8%/72%, DATP 2 đạt 18,8%/21,3%, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đạt 35,2%/55,2%, đường Hồ Chí Minh đạt 30,56%/45%.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tổng nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án cao tốc khoảng 57,53 triệu m3, nhu cầu vật liệu đá khoảng 9,34 triệu m3. Đến nay, các địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long) đã cấp phép khai thác 57,53 triệu m3 cho các dự án và đang tiếp tục thực hiện thủ tục cấp phép 10,2 triệu m3 để đáp ứng công suất theo tiến độ dự án, nâng tổng trữ lượng lên 67,73 m3. Về vật liệu đá, tổng nhu cầu các dự án là 9,34 triệu m3, các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 là 3,33 triệu m3. Đến nay, đã khai thác, đưa vật liệu về công trường từ các mỏ thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang với khối lượng 1,69 triệu m3 (các dự án hoàn thành năm 2025 là 1,11 triệu m3), cơ bản đảm bảo khối lượng đá cho các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các địa phương về dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: ANH KHOA
Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến cấp phép khai thác cho các mỏ cát, đá. Mặc dù trữ lượng các mỏ đảm bảo nhưng công suất khai thác, cung ứng vật liệu cát, đá chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công của các dự án. Mặt khác, các dự án đều sử dụng cát để gia tải, sau khi dỡ tải sẽ dư lượng cát nhưng chỉ được sử dụng cho dự án mà không được sử dụng cho dự án khác. Các địa phương, đơn vị thi công kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát sông, cát biển tại khu vực ĐBSCL làm cơ sở để các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để cung ứng cho các dự án chuẩn bị triển khai.
Giải quyết tốt 5 phương thức giao thông cho ĐBSCL
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, bộ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư khoảng 703km gồm: 173km đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn ba dự án trục dọc (cầu Cần Thơ 15km, Đức Hoà - Mỹ An 68km, Cà Mau - Đất Mũi 90km); 370 km đang nghiên cứu triển khai 2 dự án trục ngang (Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu 212km, Hồng Ngự - Trà Vinh 158km); 150km đoạn TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Sóc Trăng đang tiếp tục nghiên cứu để sớm đầu tư hoàn thành theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, khu vực ĐBSCL có 4 cảng hàng không (CHK) gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc theo Quy hoạch tổng thể hệ thống CHK toàn quốc thời kỳ 2021-2030. Trong đó, cảng hàng không Cần Thơ đang nghiên cứu đề xuất cải tạo đường cất hạ cánh hiện hữu, xây dựng hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối (khoảng 2.000 tỉ đồng), nhưng nhu cầu vốn giai đoạn 2026-2030 của Bộ Xây dựng là rất lớn nên phụ thuộc vào khả năng cân đối và phân bổ vốn. Hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Cà Mau đáp ứng khai thác các loại tàu bay A320, A321 và tương đương; cảng hàng không Rạch Giá đang thực hiện quy hoạch chi tiết. Cảng hàng không Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP để phục vụ APEC vào năm 2027...

Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: An Chi
Về đường sắt, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL có 1 tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài 174km, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, khu vực ĐBSCL gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Trong đó, cảng biển Sóc Trăng tiềm năng phát triển khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo nghiên cứu triển khai đầu tư hợp phần nạo vét luồng và hệ thống đê chắn sóng cảng Trần Đề, tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỉ đồng. Hợp phần khu bến cảng Trần Đề đang được UBND tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng. Dự án xây dựng cảng Hòn Khoai và đường nối đất liền ra cảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì đầu tư dự án; tổng mức đầu tư cảng khoảng 15.000 tỉ đồng và phần đường nối đất liền ra cảng khoảng 17.000 tỉ đồng. Dự án đầu tư kênh Quan Chánh Bố giai đoạn hoàn thiện và cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Ba Ngòi, sông Dinh với tổng mức đầu tư khoảng 3.363 tỉ đồng.

Thi công đường dẫn lên cầu Rạch Miễu 2, ảnh: An Chi
Ngoài ra, dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (Dự án SWCLD): qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai; tổng mức đầu tư 3.900 tỉ đồng (trong đó: vốn đối ứng 1.332 tỉ đồng; vốn vay IDA là 2.554 tỉ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc 14 tỉ đồng) sẽ góp phần đa dạng hóa các phương thức giao thông tại vùng và gỡ điểm nghẽn vận tải, giảm chi phí vận chuyển...
Kết luận cuộc họp với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Với các dự án cao tốc tại ĐBSCL có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 thiếu vốn sẽ được đảm bảo bố trí đủ. Cuộc họp hôm nay dứt điểm về vấn đề các giải pháp kỹ thuật và vốn. Tới đây, với kinh nghiệm đã có, chúng ta không để bị động trong nhiệm kỳ mới mà phải có sự chuẩn bị tốt hơn để đầu tư hạ tầng cơ sở chiến lược cho vùng ĐBSCL. Phải đầu tư hệ thống giao thông kết nối thông suốt cả về đường bộ, hệ thống cảng biển, đường hàng không và đường thủy nội địa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước.

Dự án cầu Rạch Miễu 2, ảnh: An Chi
“Với tinh “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” để triển khai cơ sở hạ tầng chiến lược cho ĐBSCL, năm sau làm tốt hơn năm trước để hoàn thành 1.200km cao tốc cho vùng vào năm 2030, có thể là 1.300km vì vừa bổ sung cao tốc Cà Mau - Hòn Khoai” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chuẩn bị chu đáo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau, Phú Quốc, Rạch Giá. Về cảng biển, cái Cái Cui phải báo cáo phương án nạo vét luồng vào cảng với Thủ tướng trong tháng 5-2025. Các Bộ, địa phương liên quan đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ của cảng Trần Đề để báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét. Cảng Hòn Khoai đã được giao Bộ Quốc phòng đầu tư; hệ thống giao thông thủy nội địa đã có quy hoạch rồi, vấn đề nào thuộc thẩm quyền địa phương thì địa phương quyết, Trung ương chỉ đầu tư các dự án kết nối vùng, kết nối tỉnh và quốc gia.
Về đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, cố gắng khởi công vào năm 2027… Cả 5 phương thức giao thông (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường sông) tại vùng ĐBSCL phải trên tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại. Các phương thức giao thông phải tiến hành đồng bộ trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm”; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; vướng cấp nào thì cấp đó giải quyết.
GIA BẢO - ANH KHOA