28/10/2024 - 11:23

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực 

Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ luôn năng động tổ chức các hoạt động thiết thực, bổ ích tại trường học, thu hút giáo viên, phụ huynh và học sinh (HS) tham gia. Qua đó, giáo viên, phụ huynh và HS có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, góp phần xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện.

Học sinh Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Điền thảo luận, tổng hợp góp ý tại diễn đàn.

Trung tâm CTXH thành phố vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn đối thoại học đường tại Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Ðiền, với sự tham gia của 3 bên: giáo viên, phụ huynh và HS. Mỗi nhóm lần lượt trình bày suy nghĩ, mong muốn của mình để cùng lắng nghe, thấu hiểu cũng như đề xuất các cách làm khả thi trong xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện. Bên cạnh những mong đợi của giáo viên và phụ huynh về việc phối hợp giáo dục con em học tập, rèn luyện về mọi mặt, trở thành con ngoan, trò giỏi, là những tâm tư, suy nghĩ của HS. Các em trình bày nhiều ý kiến, mong muốn được thầy cô, cha mẹ dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ; không tạo áp lực trong học tập, áp đặt điểm số…

Em Bùi Thiên Thanh, HS lớp 7, Trường THCS Tân Thới, bày tỏ: “Qua diễn đàn, chúng em mong được thầy cô, cha mẹ thấu hiểu những suy nghĩ của mình; được cân bằng thời gian học tập, vui chơi. Ðồng thời, chúng em mong được tham gia các hoạt động tập thể để gặp gỡ, trao đổi với bạn bè nhiều thông tin bổ ích trong học tập, cuộc sống...”. Ông Huỳnh Hữu Tạo, phụ huynh HS, cho biết: “Tôi lắng nghe nhiều ý kiến, quan điểm của con em, thầy cô tại diễn đàn. Theo tôi, nhà trường nên duy trì hình thức sinh hoạt thiết thực này để mỗi người tự điều chỉnh cách nghĩ, cách làm, tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em”. Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thới, đối thoại học đường là diễn đàn thiết thực, ý nghĩa, giúp nhà trường và phụ huynh có “tiếng nói chung” trong phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ðồng thời, tăng cường sự tham gia của phụ huynh, HS, giúp nhà trường ngày càng hoàn thiện môi trường học tập chất lượng.

Trước đó, diễn đàn đối thoại học đường tại Trường THCS-THPT Thới Thạnh, huyện Thới Lai diễn ra khá sôi nổi. Giáo viên, phụ huynh và HS cởi mở trình bày những mong đợi và “hiến kế” để xây dựng môi trường học tập chất lượng, thân thiện. Trong đó, nêu bật sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.

Hoạt động phiên tòa giả định do Trung tâm CTXH thành phố phối hợp Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ vừa tổ chức tại các điểm trường THCS-THPT huyện Cờ Ðỏ và quận Cái Răng rất thiết thực, hữu ích khi truyền tải nhiều kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Phiên tòa giả định với những tình huống xung đột giữa HS, trong đó có cộng đồng LGBT, dẫn đến bạo lực học đường. Kết quả thuyết phục tại phiên tòa giả định giúp HS trang bị kiến thức, hiểu biết, chấp hành pháp luật; phòng, chống và tự vệ trước các hình huống bạo lực học đường, trên cơ sở giới, không gian mạng…

Từ năm 2023 đến nay, được sự hỗ trợ của Dự án “Tiếng nói cầu vồng - Tăng cường sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên với sự đa dạng về tính dục, giới tính trong giai đoạn phát triển chính sách ở Việt Nam” của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI), Trung tâm CTXH thành phố phối hợp tổ chức 9 diễn đàn đối thoại học đường và 5 phiên tòa giả định tại các điểm trường THCS, THCS-THPT, THPT trên địa bàn thành phố. Ðể diễn đàn đối thoại học đường tổ chức thành công, phát huy hiệu quả, Trung tâm hướng dẫn giáo viên tại các trường có mô hình Câu lạc bộ Tuổi hồng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Giáo viên, phụ huynh, HS cùng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ những mong đợi của nhau. Ðồng thời, đề xuất những biện pháp thiết thực để xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện.

Theo ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, hầu hết hoạt động dự án phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu nhà trường, gia đình và địa phương. Trong đó, mô hình phiên tòa giả định và diễn đàn học đường rất thiết thực, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của giáo viên, phụ huynh và HS. Quá trình tham gia các hoạt động dự án, giáo viên, HS được nâng cao năng lực trong lập kế hoạch, triển khai hoạt động, đánh giá hiệu quả, đặc biệt phát huy tố chất mỗi người, cải thiện kỹ năng phát biểu trước đám đông, dẫn chương trình... Thời gian tới, Trung tâm CTXH thành phố tiếp tục quan tâm để các trường chủ động tổ chức và lan tỏa diễn đàn đối thoại học đường, phiên tòa giả định... thu hút giáo viên, phụ huynh và HS cùng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để xây dựng môi trường học tập chất lượng, thân thiện.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết