Trong xu thế hội nhập, việc học ngoại ngữ là điều cần thiết nhằm giúp học sinh phát triển tư duy, nâng cao hiểu biết và vốn sống thực tế. Bên cạnh tiếng Anh, nhiều trường học ở TP Cần Thơ đã thực hiện giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp, tạo thêm cơ hội và lựa chọn học tập cho nhiều học sinh.
Đại diện Ban Giám hiệu các trường tiểu học tại TP Cần Thơ và Pháp tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Sự kiện ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa các trường tiểu học tại TP Cần Thơ và các trường tiểu học tại Pháp, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ phối hợp với Hội hữu nghị Việt - Pháp thành phố vừa tổ chức, đã khẳng định tầm quan trọng trong hợp tác hữu nghị Việt - Pháp trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ÐT).
Theo bà Sophie Chevaillier, Chủ tịch tổ chức Association Grandis et Deviens (Hiệp hội Lớn lên và Trưởng thành), hiệp hội mong muốn giúp ngày càng nhiều trẻ em có điều kiện tốt nhất để phát triển và điều này liên quan đến giáo dục. Việc hợp tác giữa các trường nhằm tạo cơ hội để trẻ em Pháp và Việt Nam khám phá một đất nước khác, một nền văn hóa khác… Theo bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, việc ký kết giữa các trường tại TP Cần Thơ và Pháp nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa học sinh và giáo viên; duy trì và phát triển phong trào dạy và học tiếng Pháp tại TP Cần Thơ thông qua nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích, góp phần thắt chặt hơn tình hữu nghị trên lĩnh vực giáo dục, đóng góp vào xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Pháp.
Theo đó, các bản ghi nhớ hợp tác song phương về giáo dục được thiết lập giữa 3 trường tại TP Cần Thơ và 3 trường tại Pháp, gồm: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trường Tiểu học Công lập Du Vieux Chêne; Trường Tiểu học Ngô Quyền và Trường Les Erables Dommartin le Franc; Trường Tiểu học Mạc Ðĩnh Chi và Trường Doulevant le Château. Các bên hợp tác, trao đổi giáo viên và học sinh để tham gia các chương trình học tập và giảng dạy ngắn hạn; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và nghệ thuật; chia sẻ tài liệu học tập, phương pháp giảng dạy và kinh nghiệm quản lý giáo dục; hợp tác trong các dự án nghiên cứu và phát triển giáo dục. Bà Huỳnh Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết rất trân trọng sự hợp tác này, bởi vì sẽ tạo điều kiện giúp học sinh, giáo viên giữa các trường có cơ hội phát triển, tăng cường kiến thức và làm giàu kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp giảng dạy, quản lý. Ðây là nền tảng vững chắc giúp học sinh phát triển tương lai, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thực tế, nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy và học chương trình song ngữ tiếng Pháp; đây là chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực ngôn ngữ. TP Cần Thơ là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai chương trình này từ năm 1995, đến nay đã có 13 trường từ tiểu học đến THPT, với hơn 1.600 học sinh theo học. Học sinh học chương trình này ngoài được học về ngôn ngữ còn được học tiếng Pháp thông qua môn Toán. Ðây là cơ hội tốt cho học sinh làm quen sớm với ngoại ngữ, đồng thời, thông qua ngôn ngữ các em được phát triển cả về kiến thức, tư duy, mở mang sự hiểu biết thế giới xung quanh, từ đó tạo nền tảng và mở ra cơ hội nghề nghiệp tương lai.
Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục TP Cần Thơ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên. Các trường học trên địa bàn thành phố còn đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Pháp. Theo em Nguyễn Ngọc Gia Hân, học sinh Trường Tiểu học Mạc Ðĩnh Chi, trong quá trình học, thầy cô tổ chức hoạt động học mà chơi như cho các em thử và đoán mùi vị của món ăn hoặc đoán tên quốc gia... Những hoạt động này giúp học sinh hiểu và nói lưu loát tiếng Pháp hơn. Chị Nguyễn Thị Tú (quận Ninh Kiều), có con đang học chương trình song ngữ tiếng Pháp tại Trường Tiểu học Mạc Ðĩnh Chi, cho biết: Bên cạnh giảng dạy trên lớp học, thầy cô còn tổ chức một số hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa - văn nghệ, tạo sân chơi giúp học sinh có thêm môi trường rèn luyện, nâng cao kỹ năng học tiếng Pháp.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp TP Cần Thơ, TP Cần Thơ với vai trò là trung tâm GD&ÐT vùng ÐBSCL, luôn coi trọng giáo dục đa ngôn ngữ, trong đó có tiếng Pháp. Hiện nay, nhiều trường ở thành phố có giảng dạy tiếng Pháp. Bên cạnh việc dạy và học, thành phố còn chú trọng đến công tác hợp tác và kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc hợp tác và kết nghĩa đóng vai trò rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững. “Sự hợp tác giữa các trường giúp giáo viên và học sinh có cơ hội tốt nhất để trao đổi kinh nghiệm dạy - học và trên hết là rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ” - ông Nguyễn Phúc Tăng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: B.KIÊN