16/06/2021 - 20:35

Mỹ, EU “bắt tay” đối phó Trung Quốc 

Tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 15-6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt những bước tiến quan trọng khi đứng trước quan ngại chung về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Tạm dừng đối đầu, thúc đẩy hợp tác

Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 3, Mỹ và EU nhất trí đình chỉ trong 4 tháng các khoản thuế trả đũa lẫn nhau liên quan cuộc tranh chấp kéo dài 17 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Đến hôm 15-6, hai bên sau thời gian đàm phán căng thẳng đã đồng ý tạm dừng đối đầu và đóng băng các biểu thuế trừng phạt xung quanh tranh cãi nói trên trong 5 năm tới.

Trong tuyên bố, Nhà Trắng nói rõ “đình chiến” tại WTO cho phép hai bên tập trung giải quyết thách thức từ hoạt động thương mại và kinh tế không công bằng của Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hy vọng đây là tiền đề giúp Mỹ cùng các đồng minh xuyên Đại Tây Dương mở rộng hợp tác, cạnh tranh với các nền kinh tế phi thị trường và giải quyết những mối đe dọa khác do Trung Quốc đặt ra. Về phần mình, EU không trực tiếp đề cập Bắc Kinh nhưng đồng ý “hoạt động phi thị trường” của các bên thứ ba có thể làm tổn hại các ngành sản xuất quan trọng của khối.

Được biết, tuyên bố chung giữa Mỹ và EU trong cùng ngày còn xác nhận thành lập Hội đồng thương mại và công nghệ, đảm bảo “các nền dân chủ chứ không phải Trung Quốc hay chế độ chuyên quyền nào khác định ra quy tắc cho nền kinh tế và công nghệ toàn cầu”. Với mục tiêu xây dựng cơ chế tham vấn chính thức về thương mại và tiêu chuẩn kỹ thuật, sáng kiến chung mới giữa Mỹ và EU sẽ tập trung vào nhiệm vụ dỡ bỏ rào cản thương mại, thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và thúc đẩy đổi mới chung trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, công nghệ sinh học, giúp sàng lọc các khoản đầu tư của Trung Quốc trong những lĩnh vực này.

Trước mắt, hội đồng sẽ nỗ lực tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu và kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt tăng cường an ninh nguồn cung trong các lĩnh vực nhạy cảm như chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng 5G. Theo các quan chức EU, hội đồng cũng làm việc với nhiều đối tác, tổ chức đa phương có chính sách phù hợp với mục đích thúc đẩy mô hình về quản trị kỹ thuật số.

Phản ứng của Bắc Kinh

Theo giới quan sát, cách tiếp cận vừa thực tiễn vừa theo nguyên tắc chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với EU được coi là tín hiệu rõ ràng nhất phản ánh nỗ lực hàn gắn quan hệ và tập hợp đồng minh đối phó tham vọng chiếm lĩnh các ngành công nghiệp trọng điểm trên toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy các nước lớn như Đức, Pháp và Ý vẫn do dự hợp tác với Washington đối đầu Bắc Kinh dẫn tới thiệt hại về kinh tế, nhưng EU cũng bắt đầu cứng rắn hơn trong vấn đề nhân quyền và gián điệp công nghiệp. Khối 27 quốc gia thành viên hiện coi Trung Quốc là “một đối thủ kinh tế và một đối thủ hệ thống”, thay cho niềm tin trước đây rằng đổi mới các cam kết và nhân nhượng về thương mại có thể điều chỉnh hành vi của Bắc Kinh.

Trước màn thể hiện đoàn kết giữa chính quyền Biden và châu Âu, Trung Quốc hôm 15-6 cáo buộc Washington “đầu độc” mối quan hệ với EU và giục khối này duy trì sự tự chủ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cũng lặp lại chỉ trích về cái gọi là “ngoại giao nhóm nhỏ” mà Mỹ đang theo đuổi nhằm chống lại Trung Quốc. Khẳng định Mỹ và EU tồn tại lợi ích khác nhau, ông Triệu nhấn mạnh khối này là một thực thể độc lập và các nước châu Âu thành viên chớ nên bó buộc mình vào cỗ xe chống Trung Quốc mà Mỹ đang vận hành.

Trong tuyên bố chung, Mỹ - EU đồng thời cam kết hợp tác thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng và giá cả phù hợp cũng như phân phối các loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch; sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu bền vững. Hai bên cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, phản đối mọi âm mưu đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực.

MAI QUYÊN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết