|
Căn cứ không quân Futenma trên đảo Okinawa. Ảnh: Reuters |
Giới lãnh đạo Nhật-Mỹ vừa thông báo hai nước đã bắt đầu đàm phán lại kế hoạch cắt giảm số lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng trên đảo Okinawa, đồng thời chuyển số binh lính này tới đảo Guam, Úc và Philippines trong chiến lược bố trí lại lực lượng quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cho biết Tokyo đã cam kết “giảm số lượng lính Mỹ ở Okinawa như là bước đi quan trọng làm sâu sắc thêm liên minh quân sự Nhật-Mỹ kéo dài hơn 50 năm qua”. Ông cho biết sẽ có 8.000 thủy quân lục chiến trên tổng số 18.000 lính Mỹ đóng tại hòn đảo nằm gần Trung Quốc này được cắt giảm. Ngoài số binh sĩ chuẩn bị rút đi, khoảng 9.000 thân nhân của họ cũng được “di tản” theo. Đặc biệt, căn cứ không quân Futenma nằm ở thành phố đông đúc dân cư Ginowan sẽ được di dời tới thành phố Nago thuộc khu vực phía Bắc Okinawa thưa thớt người ở hơn. Phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản đóng tại Okinawa, trong đó căn cứ không quân Futenma bị cư dân địa phương chỉ trích dữ dội nhất vì gây nhiều tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và chuyện lính Mỹ phạm pháp. Hiện nay, khoảng 47.000-50.000 lính Mỹ và ngần ấy số người thân của họ đồn trú và sinh sống tại đất nước Mặt trời mọc.
Theo thỏa thuận cũ được hai nước thống nhất năm 2006, 8.000 lính thủy đánh bộ đều được chuyển đến đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, vào năm 2014. Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản cho hay Lầu Năm Góc có thể chỉ điều 4.700 lính tới Guam, số binh sĩ còn lại được tái bố trí ở các nước như Philippines, Úc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ George Little tuyên bố tiến trình đàm phán lại kế hoạch cắt giảm quân lực và tái bố trí căn cứ quân sự với Nhật, nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ với Nhật xung quanh những vấn đề có liên quan đến lính Mỹ trên đảo Okinawa, nằm trong chương trình phát triển đảo Guam thành một trung tâm chiến lược của quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ và duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán cắt giảm số lượng binh sĩ, nhân thân và phương tiện tác chiến của Mỹ trên đảo Okinawa là một vấn đề phức tạp. Lầu Năm Góc cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ đã giúp đảm bảo an ninh cho nước Nhật và trên thực tế Tokyo mỗi năm chi ra hàng tỉ USD để nuôi quân Mỹ và thân nhân của họ. Do đó, Mỹ cho rằng Nhật Bản cũng phải có trách nhiệm đóng góp phần lớn trên tổng chi phí “di tản” 10,27 tỉ USD. Tokyo không tán đồng, nhấn mạnh rằng nước này không phải trả bất kỳ chi phí không cần thiết nào cho việc tái bố trí quân lực của Mỹ.
Việc xây dựng căn cứ không quân mới tại Okinawa cũng không dễ dàng trước sự phản đối của cư dân địa phương. Thị trưởng thành phố Nago, ông Susumu Inamine, tuyên bố địa phương này không thể “gánh” thêm căn cứ quân sự mới của Mỹ nữa khi mà khoảng 11% tổng diện tích đất của Nago đã nằm dưới sự quản lý của quân đội Mỹ rồi.
Giới lãnh đạo Mỹ-Nhật khẳng định chiến lược chuyển quân và tái bố trí lực lượng của Lầu Năm Góc trên đảo Okinawa sẽ không làm thay đổi bản chất liên minh quân sự giữa hai nước, nhưng nhiều khả năng bản đồ đồn trú của quân đội Mỹ tại Nhật Bản có thể bị trục trặc trong thời gian tới.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)