23/04/2025 - 08:43

Mục đích chuyến thăm Ấn Ðộ của Phó Tổng thống Mỹ 

Hôm 21-4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi trong bối cảnh New Delhi tìm cách né đòn thuế quan của Washington, đàm phán thỏa thuận thương mại song phương và thắt chặt quan hệ với chính quyền Donald Trump.

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi (phải) tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại New Delhi ngày 21-4. Ảnh: PTI

Tận dụng quy mô, tiềm năng của Ấn Ðộ

Tại cuộc gặp, ông Vance và ông Modi đã hoan nghênh tiến triển trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương và thảo luận về các lĩnh vực hợp tác khác cũng như các vấn đề trong khu vực và toàn cầu, theo tuyên bố từ Nhà Trắng và Văn phòng Thủ tướng Ấn Ðộ. Hai bên cũng đã thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ quan trọng và năng lượng.

Cuộc hội đàm trên đã khép lại ngày đầu tiên trong chuyến thăm Ấn Ðộ kéo dài 4 ngày của ông Vance. Chuyến công du nhấn mạnh tầm quan trọng của New Delhi trong số các quốc gia đang muốn đàm phán thương mại với Mỹ trong 90 ngày tạm dừng áp thuế đối ứng của ông Trump.

Mỹ đã dọa áp thuế 26% đối với hàng xuất khẩu từ Ấn Ðộ. Các quan chức Mỹ xác định Ấn Ðộ là một trong số nhiều quốc gia mà Washington ưu tiên đàm phán trong thời gian tạm dừng áp thuế đối ứng và phía New Delhi cũng đang kỳ vọng nước này có thể sớm đạt được một thỏa thuận.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nhà Trắng hồi tháng 2, hai bên đã thông báo kế hoạch hoàn tất đợt đầu tiên của thỏa thuận thương mại song phương vào mùa thu năm nay. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Ðộ và hai nước đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỉ USD vào năm 2030.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Ðộ Nirmala Sitharaman sẽ có mặt tại Washington từ ngày 22 đến 25-4 và dự kiến gặp người đồng cấp Mỹ Scott Bessent để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Ấn Ðộ cũng sẽ đến Mỹ trong tuần này.

Sau một loạt các đợt tăng thuế trả đũa, hiện Mỹ áp thuế 145% đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế tích lũy đối với một số mặt hàng lên tới 245%. Ðiều này có nguy cơ dập tắt mọi hy vọng về một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian tới.

Ông Modi đã tìm cách mở đường cho một thỏa thuận với Mỹ trong những tháng gần đây bằng cách cắt giảm thuế quan của Ấn Ðộ đối với một loạt hàng hóa của Washington, đồng ý mua thêm hàng xuất khẩu và chấp nhận những người di cư không có giấy tờ bị trục xuất khỏi Mỹ.

Mỹ từ lâu rất muốn vun đắp quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Ấn Ðộ, chủ yếu vì nước này được coi là thành trì chống lại Trung Quốc. Ấn Ðộ là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ trong việc ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Quốc gia Nam Á này cũng là thành viên Tứ giác kim cương (QUAD, gồm Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Úc).

Ông Trump dự kiến ​​sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo QUAD tại Ấn Ðộ vào cuối năm nay.

Thách thức cho Mỹ

Chuyến thăm Ấn Ðộ của ông Vance nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm hối thúc các quốc gia khác cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế để đổi lấy việc giảm thuế đối ứng.

Tuy nhiên, ý tưởng mở rộng thương mại của Mỹ với Ấn Ðộ, đồng thời cô lập Trung Quốc lại gặp một trở ngại lớn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Ấn Ðộ sang Mỹ phụ thuộc vào các thành phần của Trung Quốc. Ngành dược phẩm, một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, phụ thuộc vào Trung Quốc để có 70% số lượng tiền chất. Ngành công nghiệp điện thoại thông minh cũng cần Trung Quốc. Ðiện thoại được lắp ráp ở Ấn Ðộ phần lớn từ các linh kiện nhập khẩu, bao gồm nhiều linh kiện từ nước láng giềng ở
phía Ðông.

Do vậy, Ấn Ðộ không thể nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. “Tôi không thấy bất kỳ sự thay thế nào cho Trung Quốc xuất hiện trong ít nhất một thập niên tới”, ông Ajay Srivastava, người từng điều hành tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu (có trụ sở tại New Delhi), nhận định.

Phía Trung Quốc cũng gia tăng sức ép. Trong ngày ông Vance đến thủ đô New Delhi, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng sẽ có biện pháp đáp trả đối với bất kỳ bên nào đạt thỏa thuận theo cách gây tổn hại đến lợi ích của nước này.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg, Economist)

Chia sẻ bài viết