14/10/2011 - 15:23

Một số bài thuốc bổ đông y

Bác sĩ bắt mạch cho bệnh nhân tại khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Ảnh: HỒNG VÂN

Theo quan niệm của y học cổ truyền, “bổ” có nghĩa là bù đắp những chất mà cơ thể còn thiếu để lập lại và duy trì thế cân bằng cho cơ thể (âm hư thì bổ âm, dương hư thì bổ dương, tâm huyết hư thì bổ tâm huyết,...). Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm, sử dụng và lựa chọn nhiều hơn các dược liệu có tính bồi bổ. Bác sĩ Huỳnh Thanh Vũ, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ sẽ cung cấp cho bạn đọc một số bài thuốc và những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này:

Phép bổ là một trong 8 phép điều trị của đông y (hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ) dùng khi bệnh nhân được chẩn đoán ở thể hư: cơ thể suy nhược không đáp ứng điều trị hoặc bệnh mạn tính kéo dài khiến sức đề kháng suy giảm. Phép bổ được áp dụng chung cho cả cơ thể hoặc chỉ cho riêng một tạng phủ nào bị suy nhược (bất túc). Thuốc bổ Đông y được chia làm nhiều loại như: Bổ âm, bổ dương, bổ khí, bổ huyết, bổ tỳ, bổ phế, bổ can, bổ tâm, bổ thận. Có thể kể đến một số bài thuốc hay sau đây:

+ Đối với thuốc bổ thận âm: Người bệnh có thể dùng một trong hai bài thuốc sau. Một là bài thuốc “Lục vị địa hoàn”, gồm: Thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, trạch tả 12g, đơn bì 12g, bạch linh 12g. Sắc uống. Hoặc dùng bài thuốc “Đại bổ âm hoàn”, gồm: Hoàng bá 160g, tri mẫu 180g, thục địa 240g, quy bản 240g. Làm hoàn uống.

+ Đối với thuốc bổ thận dương: có thể dùng bài thuốc “Bát Vị Quế Phụ Hoàn” (Thôi Thị), gồm: Đan bì 120g, Hoài sơn 160g, Hoàng kỳ 120g, Nhục quế 40g, Phục linh 120g, Sơn thù 160g, Thục địa 320g, Trạch tả 120g. Làm hoàn, uống.

+ Đối với thuốc bổ can: có thể dùng bài thuốc “Bổ Can Hoàn” (Thẩm Thị Tôn Sinh), gồm: Bạch thược 20g, Đương quy 20g, Khương hoạt 20g, Phòng phong 20g, Sinh địa 20g, Xuyên khung 20g. Làm hoàn, uống.

+ Đối với thuốc bổ khí: có thể dùng bài thuốc “Bổ Trung Ích Khí Thang” (Tỳ Vị Luận), gồm: Bạch truật 12g, Cam thảo 4g, Đương quy 8g, Hoàng kỳ 8g, Nhân sâm 8g, Sài hồ 6g, Thăng ma 8g, Trần bì 6g. Sắc uống.

+ Đối với thuốc bổ huyết: có thể dùng bài thuốc “Đương Quy Bổ Huyết Thang” (Chứng Trị Chuẩn Thằng), gồm: Bạch chỉ 10g, Bạch thược 10g, Đỗ trọng 12g, Độc hoạt 10g, Đương quy12g, Khương hoạt 8g, Liên kiều 12g, Một dược 6g, Nhũ hương 6g, Phòng phong 12g, Thục địa 12g, Tục đoạn 12g, Xuyên khung 8g. Sắc uống.

+ Đối với thuốc bổ khí và bổ huyết: có thể dùng bài thuốc “Thập Toàn Đại Bổ Thang” (Cục Phương), gồm: Bạch thược 8g, Bạch truật 8g, Chích thảo 4g, Đương quy 12g, Hoàng kỳ 8g, Nhân sâm 8g, Nhục quế 4g, Phục linh 8g, Thục địa 12g, Xuyên khung 6g. Sắc uống.

+ Đối với thuốc bổ phế: có thể dùng bài thuốc “Nhân Sâm Dưỡng Phế Thang” (Lục Khoa Chuẩn Thằng), gồm: A giao 4g, Bối mẫu 4g, Cam thảo 4g, Cát cánh 4g, Chỉ thực 4g, Hạnh nhân 4g, Ngũ vị tử 2g, Nhân sâm 4g, Phục linh 4g, Sài hồ 8g, Tang bạch bì 4g. Sắc uống.

+ Đối với thuốc bổ tâm: có thể dùng bài thuốc “Bổ Tâm Đơn” (Thế Y Đắc Hiệu Phương), gồm: Bá tử nhân 10g, Cát cánh 20g, Đan sâm 20g, Đương quy 40g, Huyền sâm 20g, Mạch môn 40g, Ngũ vị tử 40g, Nhân sâm 20g, Phục linh 20g, Sinh địa 16g, Thiên môn 40g, Toan táo nhân 40g, Viẽn chí 20g. Làm viên, uống.

+ Đối với thuốc bổ tỳ: có thể dùng bài thuốc “Quy Tỳ Thang” (Tế Sinh Phương), gồm: Bạch truật 10g, Cam thảo 2g, Đương quy 4g, Hoàng kỳ 10g, Long nhãn 10g, Mộc hương 2g, Phục linh 8g, Toan táo nhân 4g, Viễn chí 4g. Sắc uống.

Tuy nhiên, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc bổ đông y. Thành phần của thuốc bổ đông y gồm một số vị thuốc có chức năng giữ nước và phần lớn là thuốc sắc phải uống dưới dạng nước nhiều lần trong ngày. Đây là điều bất lợi cho bệnh nhân tim mạch, nhất là đối với bệnh nhân suy tim, vì thuốc nước sắc làm tăng thể tích tuần hoàn, dẫn đến tăng huyết áp. Đồng thời, các loại chất bổ có nguồn gốc từ động vật cung cấp rất nhiều cholesterol như cao, phủ tạng động vật cũng không có lợi cho bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa. Do đó, để sử dụng thuốc Đông y đúng cách và hiệu quả, người bệnh cần phải có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa và nên đến những cơ sở đông y tin cậy để được khám và bốc thuốc.

MAI LIÊN (ghi)

Chia sẻ bài viết