26/06/2010 - 21:23

Món quà vô giá từ người cha

“Quà của bố” (NXB Phụ Nữ, tháng 6-2010) là tập tản văn gồm 70 câu chuyện trải lòng của doanh nhân Trần Đình Dũng. Đó là những tình cảm trìu mến và hạnh phúc của một người cha bên cạnh trách nhiệm và lo toan cho những đứa con.

Người từng hoặc đang làm cha chắc hẳn đồng cảm với những gì miêu tả trong “Quà của bố”. Người viết đã thể hiện những cảm xúc đó bằng văn phong giản dị, tinh tế, dí dỏm và trìu mến. Từng trang viết trong sách như lời thủ thỉ tâm tình của người cha khi chơi đùa cùng con. Đó là những câu chuyện xảy ra hằng ngày: “Cái ngoái nhìn của con, với nụ cười và ánh mắt long lanh, sáng rực nổi bật trong hàng chục khuôn mặt trẻ thơ trước cổng trường, luôn là hình ảnh yêu thương và ngập tràn một ngày làm việc của bố” (Ngoái nhìn). Hay những trò chơi của con gái: “Bố yêu con, vừa đủ để cố gắng sắp xếp những ngón tay thô kệch vụng về làm thủ công cắt dán, vì con muốn có hình ảnh Hanah Montana” (Bố yêu con vừa đủ). Hoặc một “bí mật” giữa “hai người đàn ông” trong gia đình: “Ngày con trai rụng răng sữa, đưa cái cửa sổ ra xấu hổ mỗi khi nói cười, phụng phịu bảo: “Bố ơi, bạn nói con sún”. Ông bố thổi vào khe răng của con, tiếng gió vi vi vo vo vù vù. Con trai cười sung sướng vì biết được mình đang sở hữu một nhạc cụ tuyệt diệu. Thế là mỗi khi đón con từ trường học về, bố luôn luôn phải “thổi nhạc vào răng”, vì đến giờ bố vẫn chưa tìm được từ nào hay hơn để diễn tả” (Chiếc hộp kỳ diệu).

Càng đọc, càng cảm nhận rằng người cha trong sách không hề được tô vẽ. Không chỉ là hạnh phúc, niềm vui mà những câu chuyện còn có cả những cảm xúc hụt hẫng đau đớn khi tác giả nhận ra không phải lúc nào những đứa con cũng cần mình cùng chơi đùa và chia sẻ mọi bí mật, “cầm tay con gái dẫn qua đường, đoạn đường nhiều xe vào nhà sách Nguyễn Huệ, con gái lẳng lặng rút tay ra, ngước nhìn bố. Bố hiểu con bắt đầu lớn, bắt đầu muốn một mình, bắt đầu tự lập, bắt đầu xa bố rồi. Con nói nhẹ: “Để con tự đi!”. Bố sẽ để con tự đi, bố chỉ theo con, lẽo đẽo, vô hình, mãi mãi” (Tự nhiên). Tác giả, cũng như rất nhiều người cha người mẹ khác trên cõi đời này, cũng đều có những giây phút hoang mang, lo lắng rằng liệu mình có đủ sức bảo vệ con trước cuộc sống đầy bất trắc, trước những thói hư tật xấu ngày càng lan rộng trong xã hội. Trần Đình Dũng đã dành rất nhiều thời gian cho con, lắng nghe, dạy chúng kỹ năng sống, truyền cho chúng tình yêu của gia đình. Chúng ta cũng đồng cảm với anh trong thời điểm con gái anh theo chồng, bắt đầu cuộc sống của riêng mình: “Tôi mong anh nhẹ nhàng với con tôi, vì sự mảnh mai tinh tế trong tâm hồn và thể xác con bé. Hãy nói cho con tôi biết điều nó chưa đúng, hãy chỉ bảo thêm cho nó để nó trưởng thành. Mong anh cởi mở chân thành và học cách đọc bằng mắt, nhìn bằng tay, để cảm nhận được sự ưng thuận hoặc phản đối của con bé, đừng để con bé cô đơn và khóc tủi” (Gởi người yêu con tôi).

“Quà của bố” được đông đảo bạn đọc đón nhận và yêu quý. Những ai đã có con học cách thể hiện tình yêu và vai trò làm cha, làm mẹ của mình. Đọc sách, những ai chưa có con hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, để biết hiếu thuận. Làm cha không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tận hưởng sự ngọt ngào, dễ chịu, hạnh phúc vô bờ khi nhìn con cái lớn lên, trưởng thành, vững chãi.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết