BẠCH DƯƠNG (TTXVN)
Ngày 11-1-2020, thế giới ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi bùng phát dịch bệnh này cuối năm 2019. Sau 4 năm, khi COVID-19 đã trở thành bệnh đặc hữu, hệ thống y tế toàn cầu vẫn đối mặt những gánh nặng tiềm ẩn từ căn bệnh này cùng với những nguy cơ do các bệnh viêm đường hô hấp theo mùa có chiều hướng trở nên phổ biến hơn.
Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu phòng COVID-19.
Số ca mắc COVID-19, chủ yếu do biến thể JN.1, tăng nhanh trở lại trong thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024, đúng giai đoạn cao điểm của bệnh cúm và các bệnh viêm đường hô hấp vào mùa Ðông - Xuân. Các nước châu Âu liên tục ghi nhận những con số “kỷ lục” về tốc độ tăng ca mắc cúm và COVID -19. Tại Bồ Ðào Nha, tỷ lệ các ca mắc cúm trong tổng số bệnh nhân ở khu chăm sóc tích cực lên mức cao kỷ lục, 17% trong tuần cuối cùng của năm 2023. Số ca mắc các bệnh về đường hô hấp tại Ý cũng tăng nhanh chưa từng thấy, với tỷ lệ mắc bệnh trong tuần cuối cùng của năm ngoái là 17,5 ca/1.000 dân.
Tại Mỹ, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã gọi đợt gia tăng số ca mắc COVID-19 hiện nay là làn sóng COVID-19 lớn thứ hai trong lịch sử nước này, sau đợt tăng số ca nhiễm biến thể Omicron mùa Ðông - Xuân cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tiến sĩ Michael Hoerger, trợ lý giáo sư tại Trường Y thuộc Ðại học Tulane (bang Louisiana) ước tính từ giữa tháng 12-2023 - tháng 2-2024 sẽ là đỉnh điểm của làn sóng hiện tại, cứ 3 người Mỹ thì có 1 người mắc COVID-19.
Lý giải cho tình trạng COVID-19 lây lan nhanh trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho biết biến thể JN.1 có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch và lây truyền dễ dàng hơn các biến thể khác. Hiện JN.1 đã được ghi nhận ở hơn 40 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Thụy Ðiển, Singapore, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc. Cuối năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại JN.1 là biến thể được quan tâm. Ngoài các triệu chứng thông thường như sốt hoặc ớn lạnh, ho, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, khó thở, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác, sương mù não, triệu chứng tiêu hóa như khó chịu ở dạ dày, biến thể JN.1 còn gây 2 triệu chứng khác thường là khó ngủ và lo lắng. Theo tờ Times of India, biến thể JN.1 cũng khiến các chuyên gia y tế lo ngại làm tăng nguy cơ viêm phổi nặng, bởi vậy bệnh nhân cần được theo dõi các triệu chứng như ho dai dẳng, khó thở và sốt để can thiệp kịp thời, giúp ngăn ngừa tiến triển thành viêm phổi nặng.
Các biến thể mới dường như có khả năng lây nhiễm cao hơn, song hiện không có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây nguy cơ sức khỏe cao hơn các biến thể khác của SARS-CoV-2. Tiến sĩ Jacob John, một nhà virus học hàng đầu của Ấn Ðộ, cho biết tất cả các biến thể phụ của Omicron đều ít độc lực hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Ông không cho rằng biến thể này có thể gây ra làn sóng dịch, đồng thời khẳng định: “Dịch bệnh hiện nay đã trở thành ‘đặc hữu’, với số lượng thấp và ổn định, biến động nhỏ”.
WHO đánh giá JN.1 có nguy cơ ở mức độ thấp, song cảnh báo ở các nước đang trong mùa Ðông, cùng với các bệnh về đường hô hấp, biến thể này có thể làm tăng gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo giới chuyên môn, hiện khả năng miễn dịch đã có trong cộng đồng và sau tiêm chủng giúp cộng đồng có miễn dịch chéo với JN.1, nhờ đó ngăn chặn các triệu chứng nặng. WHO khẳng định vaccine hiện tại vẫn có thể bảo vệ con người khỏi biến chứng nặng và nguy cơ tử vong do JN.1, cũng như các biến thể khác hiện nay của SARS-CoV-2.
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi mắc đồng thời COVID-19 và cúm, có thể gây hậu quả khôn lường. Tại Việt Nam đã ghi nhận những ca bệnh chuyển nặng nguy kịch khi cùng lúc mắc cả hai bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp. Các bác sĩ khuyến cáo do thời tiết thay đổi thất thường nên số ca COVID-19 và cúm A gia tăng tại Việt Nam, nếu đồng thời nhiễm 2 loại virus sẽ làm cho bệnh chuyển xấu rất nhanh, đặc biệt là trẻ em và người có bệnh nền. Trong khi đó, giai đoạn thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, rubella, ho gà... cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.
Trong bối cảnh này, nhiều nước đã áp dụng trở lại các quy định phòng ngừa dịch bệnh, vốn đã được dỡ bỏ sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do dịch COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) khuyến nghị mọi người hạn chế ra khỏi nhà nếu cảm thấy không khỏe và đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc tại các cơ sở y tế, đồng thời kêu gọi tiếp tục tiêm phòng. Tây Ban Nha và 4 bang ở Mỹ đã khôi phục quy định đeo khẩu trang tại bệnh viện. Bolivia bắt buộc đeo khẩu trang ở trường học. Tại Đông Nam Á, nhiều nước tái áp dụng một số biện pháp như lắp máy quét thân nhiệt tại sân bay, kêu gọi người dân đeo khẩu trang và hoãn du lịch.