05/07/2024 - 09:37

Mở lối đi mới để nuôi hy vọng 

Nói về khó khăn, thách thức của ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chỉ gói gọn: “Mở mắt thấy khó khăn, ra đường gặp thách thức”. Có lẽ đây là cách diễn đạt ngắn gọn nhất, đầy đủ nhất và sát với thực tế ngành tôm nhất từ đầu năm đến nay. Và để trụ vững trước những khó khăn, thách thức nhằm nuôi hy vọng phục hồi và tăng tốc khi thời cơ đến, mỗi mắt xích trong ngành tôm, nhất là khâu nuôi và chế biến xuất khẩu phải tự khai phá lối đi mới cho riêng mình.

Người nuôi tôm vẫn hy vọng giá tôm sẽ được cải thiện nhiều hơn kể từ quý III-2024. Trong ảnh: Thu hoạch tôm ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Tìm đường thoát hiểm

Trước tình trạng giá tôm giảm mạnh trong những tháng gần đây, một trong những vấn đề người nuôi tôm quan tâm hiện nay là làm sao để nuôi tôm có lời, nhằm duy trì nghề nuôi, để chờ cơ hội tôm tăng giá dịp cuối năm. Theo ông Lực, trước đây, người nuôi thường cố gắng nuôi tôm đạt kích cỡ càng lớn càng tốt vì tôm cỡ lớn luôn có giá bán cao và khá ổn định, nhưng nay, trước sự cạnh tranh gay gắt từ tôm Ecuador giá tôm cỡ lớn cũng giảm nhiều, nên nếu kéo dài thời gian nuôi rủi ro càng nhiều. Do đó, giải pháp được trại nuôi Sao Ta áp dụng là tăng mật độ nuôi, sau đó tiến hành thu tỉa dần khi tôm đạt kích cỡ theo nhu cầu thị trường, nhằm tăng sản lượng thu hoạch. Ông Lực chia sẻ: “Vùng nuôi của Sao Ta thả nuôi từ cuối tháng 4 vừa qua, không đầy 50 ngày nuôi, các ao tôm đạt cỡ 100 con/kg. Lúc này, chúng tôi tiến hành thu tỉa để giảm rủi ro và số lượng còn lại có môi trường thuận lợi tăng trưởng nhanh hơn. Bước đầu tỏ rõ giải pháp này có kết quả khả quan, như ý”.

Lời giải của Sao Ta cũng chính là khuyến cáo của ngành chức năng và doanh nghiệp đưa ra cho người nuôi tôm, theo kiểu tìm cách lách qua “khe hở thị trường” để bán được giá tốt hơn. Hay nói cách khác là người nuôi cần sớm xác định địa chỉ, yêu cầu tiêu thụ để từ đó đưa ra cách nuôi phù hợp. Theo đó, thị trường Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu và tiếp theo là thị trường nội địa. Ðối với thị trường Trung Quốc, hiện có nhu cầu size 70-170 con/kg nên người nuôi cần thả mật độ dầy giai đoạn đầu, sử dụng thức ăn có độ đạm thấp, sau đó thu tỉa theo từng giai đoạn khi tôm đạt kích cỡ phù hợp với nhu cầu thị trường. Dù không có được lợi thế giá rẻ như tôm của Ecuador nhưng tôm thẻ cỡ nhỏ của Việt Nam lại có lợi thế riêng là có màu đỏ đẹp khi chế biến, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Khi tôm còn lại đạt cỡ 50-60 con/kg thì chuyển sang sử dụng thức ăn có độ đạm cao hơn (khoảng 43 độ đạm), nuôi với mật độ thưa hơn để thúc tôm về cỡ lớn nhanh hơn, nuôi về size lớn (dưới 30 con/kg) nhằm rút ngắn thời gian nuôi, giảm hệ số chuyển hóa thức ăn và bán tôm ôxy nội địa có giá cao hơn.

Các giải pháp trên vừa giúp giảm chi phí, vừa thu tôm đạt yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo năng suất và giá bán hợp lý. Tuy nhiên, để giảm giá thành tôm nuôi, một trong những vấn đề quan trọng là người nuôi phải có đủ vốn, để mua vật tư đầu vào với giá rẻ. Riêng con giống đừng ham rẻ mà nên chọn con giống có chất lượng tốt nhất vì con giống quyết định rất lớn đến cả vụ nuôi. Một vấn đề nữa là làm sao giữ được đầu con cao thì mới có sản lượng lớn, để giảm giá thành, đảm bảo lợi nhuận kể cả thu hoạch size nhỏ hay size lớn. Việc thu tỉa tôm cũng rất quan trọng, nên thu tỉa bằng cách sử dụng lú để không gây xáo trộn môi trường ao nuôi, tôm không bị stress nhằm giảm hao hụt. Hy vọng, bằng kinh nghiệm của mình cùng sự gợi ý trên sẽ giúp người nuôi tôm vượt qua được khó khăn về giá trong mùa tôm này.

Chờ tín hiệu từ quý III-2024

Thị trường tôm thế giới còn đầy phức tạp, nhiều ẩn số và biến số và giá tôm đang ở mức thấp. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực tìm lối đi mới, ngành tôm vẫn đang ngóng chờ những tín hiệu mới từ quý III, mà cụ thể là chờ Bộ Thương mại Mỹ công bố về công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam và mức thuế sơ bộ chống trợ cấp ngành tôm dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 tới đây. Cả 2 quyết định trên đều có tác động rất lớn đến ngành tôm, nên các doanh nghiệp hiện rất quan tâm theo dõi để có những quyết định dứt khoát hơn cho vụ tôm năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành tôm đều không hề chờ đợi một cách thụ động, mà luôn có đối sách, hướng đi mới cho riêng mình. Theo đó, thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Ðộ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, hiện hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này mà tập trung cho thị trường gần, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Ngay cả Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vốn lấy thị trường Mỹ làm chủ lực thì nay cũng đang có kế hoạch chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc để hạn chế rủi ro.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chính yếu tố thị trường đang chi phối giá xuất và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam, trong đó có con tôm. Trong khi nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, thì cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá xuất khẩu đi hầu hết các thị trường đều giảm. Gần đây nhất là tháng 5, tôm là mặt hàng bị tác động giảm giá rõ rệt nhất, nên xuất khẩu đã giảm 2,3%, trong đó riêng tôm chân trắng giảm 7%, tôm sú giảm 6%. Bức tranh thị trường đến cuối quý II vẫn chưa có gì sáng sủa, nhưng theo bà Hằng, hy vọng nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, nhất là sự hồi phục của thị trường Mỹ sẽ giúp định hướng và tác động tích cực đến các thị trường khác. Bà Hằng cũng kỳ vọng từ quý III trở đi, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vì đây là thời điểm nhu cầu nhập khẩu sẽ cao nhằm phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết cuối năm. Ðây là điều doanh nghiệp đang rất chờ đợi nhưng cũng có đôi chút lo lắng, bởi giá tôm giảm mạnh thời gian dài khiến nhiều hộ ngưng nuôi, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu dịp cuối năm.

Hy vọng thị trường tới đây sẽ khả quan hơn, lối đi mới sẽ tạo điều kiện sản xuất trong nước ổn định và thuận lợi hơn, cơ hội sẽ đến với ngành tôm một cách rõ ràng hơn để ngành tôm có điều kiện tăng tốc, về đích đúng như mong đợi.

HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết