07/07/2024 - 09:04

Làm giàu từ cây bưởi da xanh 

Trước yêu cầu thị trường, nhiều nông hộ trên địa bàn thành phố đã canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, dần thay đổi thói quen sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học. Ðiều này không những hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững mà còn tăng thu nhập cho người sản xuất. Mô hình trồng bưởi da xanh của anh Trần Thới Thuận ở ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, là một trong những mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả thiết thực.

Anh Trần Thới Thuận chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Sản xuất hữu cơ - hướng làm giàu bền vững

Anh Trần Thới Thuận sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, luôn tâm huyết với các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Năm 2018, anh Thuận mua 5.000m2 đất ở ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ để trồng bưởi da xanh. Thời điểm đó, trên địa bàn ấp Ðông Mỹ, phần lớn bà con trồng lúa. Nhiều người cho rằng, đất ở đây không phù hợp để trồng cây ăn trái. Với kinh nghiệm của một nông dân cần cù, chịu khó, anh Thuận nhận định vùng đất này có thể cải tạo để trồng cây ăn trái, yếu tố quan trọng là kỹ thuật canh tác của nông dân.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi xanh tốt, trái trĩu cành, to đều, căng mọng, anh Thuận trải lòng: “Ðể có chất lượng trái ngon, năng suất cao là cả một quá trình cải tạo đất, chăm sóc cây. Muốn đất tốt, cây khỏe thì phải cải tạo đất ngay từ ban đầu với nguyên liệu hữu cơ 100%. Từ lúc chưa trồng cây, tôi đã sử dụng 10 tấn phân gà đã ủ để cải tạo đất trong 2-3 tháng”. Trong suốt quá trình canh tác, anh Thuận áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ cho cây bưởi.

Anh Thuận không ngần ngại chia sẻ: “Hiện nay, tôi tìm mua phân bò tại địa phương để ủ và bón cho cây. Phân bò sau khi mua về sẽ được vô bao, cấy vi sinh để ủ ngay trong bao và đặt tại các gốc bưởi. Bên cạnh đó, để không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, tôi lấy tỏi, ớt giã nhuyễn, trộn với dầu khoáng, các hoạt chất hữu cơ rồi phun xịt trên lá, trên thân cây để đuổi côn trùng, phòng bệnh cho cây có hiệu quả và đảm bảo an toàn”. Anh Thuận cho biết, việc canh tác hữu cơ chỉ tốn kém vào giai đoạn cải tạo đất, về sau chi phí sẽ nhẹ hơn nhiều so với bón phân hóa học. “Trên 5.000m2 đất, tôi chỉ tốn khoảng 15 triệu đồng/năm chi phí sử dụng phân hữu cơ; trong khi đó chi phí mua phân hóa học phải tốn kém khoảng 20 triệu/năm” - anh Thuận nhẩm tính.

Bên cạnh đó, anh Thuận đầu tư hệ thống tưới nước tự động, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình trồng và chăm sóc vườn bưởi. Nhờ đầu tư đúng hướng, kiên trì theo đuổi quy trình sản xuất an toàn nên vườn bưởi da xanh phát triển tốt, cho thu hoạch cao nhiều năm qua. Năm 2022, bưởi da xanh của anh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố. Trung bình mỗi năm, vườn bưởi thu hoạch trên 3 tấn trái, được các siêu thị, cửa hàng trái cây sạch đến đặt hàng, thu mua với giá cao.

Giúp nhau phát triển kinh tế

Anh Trần Thới Thuận không chỉ là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ Phát (huyện Cờ Ðỏ). Hiện nay, HTX có 10 thành viên tham gia trồng lúa, cây ăn trái trên tổng diện tích 50.000m2. Ðể giúp các thành viên nâng cao thu nhập, những năm qua, anh Thuận luôn gần gũi với xã viên, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con canh tác theo hướng hữu cơ. Anh Thuận còn bán cây giống bưởi da xanh, cung ứng phân vi sinh, phân hữu cơ cho các thành viên HTX và các HTX lân cận với giá thành ưu đãi. Ông Ngô Văn Cương, thành viên HTX, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi bò sinh sản và có gần 2.000m2 trồng bưởi da xanh. Tận dụng nguồn phân bò sẵn có, tôi bón cho vườn bưởi để tiết kiệm chi phí. Trong quá trình tham gia HTX, tôi được các thành viên hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật canh tác hữu cơ hiệu quả. Nhờ bón phân hữu cơ, cây bưởi phát triển tốt, cho năng suất cao. Hiện nay, vườn bưởi ra trái quanh năm, nhiều nhất là vụ Tết có thể bán 1 tấn trái. Thương lái thu mua giá khá bình ổn, ngày thường từ 22.000-25.000 đồng/kg; dịp Tết có giá khoảng 50.000-60.000 đồng/kg”.

Với mong muốn quảng bá các mặt hàng nông sản sạch, hiện nay, anh Thuận hùn vốn cùng bạn bè, các thành viên HTX Tân Mỹ Phát mở cửa hàng lúa gạo Sake chuyên kinh doanh các mặt hàng gạo OCOP. Việc kinh doanh này mang lại cho anh thu nhập ổn định. Anh Thuận bảo: “Sắp tới, tôi mong muốn mở rộng cửa hàng, bán thêm các sản phẩm trái cây đạt chuẩn OCOP để tăng cường quảng bá nông sản sạch của địa phương với người tiêu dùng, hỗ trợ bà con nông dân về đầu ra sản phẩm”.

Nhắc đến anh Thuận, anh Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Ðỏ khen ngợi: “Anh Thuận là thành viên Câu lạc bộ nông dân sản xuất tiêu biểu của huyện, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ của gia đình anh là một trong những điển hình tại địa phương với điểm nổi bật chính là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ cho cây bưởi. Hiện tại, việc canh tác theo hướng hữu cơ đang được các cấp Hội Nông dân khuyến khích, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định cuộc sống cho nông dân”.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

 

Chia sẻ bài viết