Có lẽ “cực hữu” và “lần đầu tiên” là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong mùa bầu cử năm nay ở châu Âu.
Cử tri Pháp bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng hai. Ảnh: AFP
Hôm qua 7-7, cử tri Pháp đi bầu Quốc hội vòng hai trong tâm thế hồi hộp chờ đợi xem liệu có xảy ra chuyện lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, đất nước hình lục lăng có một chính phủ cực hữu. Bởi trong cuộc bầu cử vòng một, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia đã gây chấn động khi về nhất, bỏ xa liên minh cánh tả lẫn liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron.
3 ngày trước cuộc bầu cử ở Pháp, bên kia eo biển Manche cũng chứng kiến sự trỗi dậy của phe cực hữu khi đảng Cải cách giành được 5 ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh. Con số tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa với họ bởi trong cuộc tổng tuyển cử gần nhất vào năm 2019, đảng này không giành được ghế nào. Hơn nữa, sau 8 lần thử sức, thủ lĩnh đảng này là Nigel Farage đã lần đầu tiên đắc cử nghị sĩ xứ sương mù. Ông Farage không giấu tham vọng sáp nhập đảng Cải cách với đảng Bảo thủ (một trong 2 chính đảng chủ chốt ở Anh) và trở thành thủ tướng vào năm 2029.
Tại Hà Lan, chính phủ cực hữu đã ra mắt ngày 2-7 với cam kết thực hiện chính sách nhập cư “nghiêm ngặt chưa từng thấy”. Ðây là lần đầu tiên Hà Lan có chính phủ do phe cực hữu lãnh đạo. Như vậy, sau Ý và Hungary, châu Âu lại có thêm một chính phủ bài nhập cư nữa.
Và như muốn “thừa thắng xông lên” sau khi phe cực hữu giành được nhiều ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 30-6 đã đến Áo gặp gỡ các lãnh đạo cực hữu nước chủ nhà và Cộng hòa Séc, tuyên bố thành lập liên minh “Những người yêu nước vì châu Âu” với mục tiêu thay đổi nền chính trị cựu lục địa, mà trước mắt là lôi kéo thêm các nghị sĩ cực hữu của ít nhất 4 quốc gia khác để lần đầu tiên trở thành một phái chính thức trong Nghị viện châu Âu. Cần nhắc lại là trong cuộc bầu cử vừa qua, phe cực hữu đã về nhất tại Pháp, Ý, Áo, Hungary, Séc.
Tình hình trầm trọng đến mức Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk ngày 3-7 đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại việc phe cực hữu đang mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu có thể gây thêm nhiều bất lợi cho người di cư và người xin tị nạn. Ông Volker Turk cho rằng cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này.
QUỐC KHÁNH