07/07/2024 - 09:04

Liên kết phát triển bền vững ÐBSCL 

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển ÐBSCL, tăng trưởng kinh tế của vùng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các địa phương đã chủ động hơn trong liên kết phát triển bền vững, nguồn lực đầu tư cho vùng ÐBSCL cũng được ưu tiên, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển mới, đón thời cơ mới.

Cầu Mỹ Thuận 2 là 1 trong 5 dự án quan trọng kết nối ÐBSCL với Ðông Nam Bộ đã đưa vào sử dụng. Ảnh: CTV.

Chuyển biến tích cực

Mới đây, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL lần thứ 4 đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 2-4-2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 (Nghị quyết 78/NQ-CP, ngày 18-6-2022); tiến độ triển khai quy hoạch vùng ÐBSCL; hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; tiến độ các dự án trọng điểm và bàn giải pháp phát triển nhanh, bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau 2 năm triển khai, đến nay đã hoàn thành 4/26 nhiệm vụ; hoàn thành 5 dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng ÐBSCL với Ðông Nam Bộ.

Các báo cáo nhận định, dù đối mặt rất nhiều khó khăn, rủi ro, thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp, nhưng tăng trưởng kinh tế của ÐBSCL đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng tăng 6,37% đứng thứ 2/6 vùng kinh tế cả nước và gấp 1,3 lần so với bình quân chung cả nước (5,05%). Quy mô kinh tế vùng theo giá hiện hành chiếm 12,1% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (lần lượt là 30,5%; 27,62% và 37,07%).

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm 2020 và đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 4/6 vùng kinh tế và tăng 10,1% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 424.603 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2022. Môi trường kinh doanh của vùng từng bước cải thiện, năm 2023 có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của vùng ước đạt 6,12%; một số địa phương đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04% và Cà Mau tăng 6,96%...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông cho biết, thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho ÐBSCL. Như Nghị quyết 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó 7 dự án quan trọng của vùng được áp dụng (các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng); Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó áp dụng 8 chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; Luật Ðất đai, trong đó phân cấp cho HÐND tỉnh trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, bãi bỏ thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển đổi rừng, đây là chính sách sẽ tháo gỡ rất nhiều cho các địa phương trong vùng. Trong 6 tháng triển khai kế hoạch hoạt động Hội đồng vùng năm 2024, đến nay đã hoàn thành 13/27 nhiệm vụ, cụ thể là công tác quy hoạch, kiện toàn, xây dựng bộ máy điều phối ở các cấp,… Các địa phương đã chủ động ký kết các liên kết phát triển các tiểu vùng và ký với TP Hồ Chí Minh; thay đổi rõ nét từ tư duy cho đến hành động cụ thể, với phương châm “không thể đi xa nếu không đi cùng nhau”. 

Ðón thời cơ mới, vận hội mới

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm phát triển ÐBSCL là triển khai Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là quy hoạch được phê duyệt sớm nhất trong các vùng kinh tế cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch (Quyết định 816/QÐ-TTg ngày 7-7-2023) xác định 363 chương trình, dự án lớn, quan trọng, có tính dẫn dắt, tác động lan tỏa sẽ được ưu tiên đầu tư trước, đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng để thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là vốn ngoài ngân sách. Trong đó, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá chính cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng, với tổng số 116 dự án.

Thứ trưởng Trần Duy Ðông cho biết, qua 2 năm thực hiện Quy hoạch vùng ÐBSCL, các bộ, ngành đã tích cực chủ động phối hợp với các địa phương liên quan triển khai thực hiện. Các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới toàn vùng. Tuy nhiên, hiện một số dự án quan trọng (các tuyến cao tốc trục ngang, đường Vành đai 3, đoạn qua Long An) và các dự án liên kết vùng đang gặp khó trong giải phóng mặt bằng, nguồn cát đắp nền đường khan hiếm do nhu cầu rất lớn trong khi thủ tục mở các mỏ cát mới rất chậm, nên các địa phương trong vùng cần quan tâm chỉ đạo giải phóng mặt bằng, phối hợp với các bộ có liên quan để tìm nguồn cát thay thế. Ðồng thời khẩn trương hoàn thiện thủ tục các dự án đang chuẩn bị đầu tư, đề xuất các cơ chế, chính sách để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL lần thứ 4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Chú trọng phát triển kinh tế biển; ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, lan tỏa, nhất là các dự án cao tốc, dự án cảng biển Trần Ðề, Hòn Khoai…; gỡ khó về nguồn cát cho các dự án; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các dự án thủy lợi, đảm bảo trữ ngọt, thoát lũ, an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, chống xói lở bờ sông, bờ biển… Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm nghiên cứu tiêu chí, nguyên tắc xây dựng các dự án trọng điểm của vùng, đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để bố trí nguồn lực thực hiện, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng.

GIA BẢO - KIỀU NHUNG

 

Chia sẻ bài viết