02/07/2024 - 09:16

Xanh hóa nền kinh tế để hội nhập và phát triển bền vững 

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố. Báo cáo này đã liên tục xuất bản và công bố trong 16 năm qua. Báo cáo tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô; đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.

Công ty CP May Tây Đô luôn ứng dụng công nghệ tiên tiến, các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất như sử dụng máy may động cơ servo, quạt thông gió truyền động lực trực tiếp...

Bức tranh kinh tế toàn cảnh

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, cho biết: Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 lấy chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”. Bởi chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 gồm 5 nội dung chính. Thứ nhất, toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024. Thứ hai, tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024. Thứ ba, đánh giá mối quan hệ giữa chuyển dịch năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế. Thứ tư, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở các quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc về chuyển dịch năng lượng tái tạo và đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thứ năm, tự do hóa thị trường bán điện trực tiếp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam…

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 và nửa đầu năm 2024 được khắc họa rõ nét trong báo cáo lần này. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,05% so với năm trước. Bước sang nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam phục hồi khá (quý I-2024 đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, dự báo quý II đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%). Tuy nhiên, tốc độ vẫn chậm và thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch COVID-19.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 giảm do cầu thế giới suy yếu. Nửa đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, kỳ vọng đóng góp tích cực cho tốc độ tăng trưởng GDP các quý tới của năm 2024 và ổn định kinh tế vĩ mô. Quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỉ USD. Lạm phát trở lại đà tăng từ tháng 7-2023, tuy nhiên lạm phát bình quân năm 2023 vẫn thấp hơn ngưỡng mục tiêu. Năm 2024, ổn định kinh tế vĩ mô chịu áp lực lớn từ đà tăng lạm phát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Tăng lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ hỗ trợ lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ…

Hướng đến nền kinh tế xanh

GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam, chủ đề “Chuyển đổi năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” của báo cáo hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam thời điểm hiện tại và trong tương lai. Nền tảng kinh tế của Việt Nam phải được củng cố với tính bền vững và các nguồn năng lượng đáng tin cậy và tăng trưởng xanh. Việt Nam cần phải đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác, có tính đến các thách thức địa chiến lược. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và thương mại xanh. Đó là các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu ngày càng tăng của các đối tác thương mại và người tiêu dùng, đặc biệt là tại các thị trường châu Âu có nhu cầu cao về sản phẩm xanh.           

Theo dự báo, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 mặc dù vẫn khó khăn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ các yếu tố hỗ trợ: giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành dịch vụ được thúc đẩy mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Việt Nam khó có thể đạt được trong năm 2024 bởi có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm 2024 được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.

Từ thực tế đó, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án hạ tầng quan trọng. Hướng đến xanh hóa nền kinh tế, Việt Nam cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài; tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024, cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Đồng thời, có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Chính phủ và các bộ ngành cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết