Đường đi Ðá Bạc không quá xa. Tuyến đường mới mở thông thoáng, rút ngắn thời gian di chuyển. Chúng tôi quyết định đến đó vào một chiều để ngắm hoàng hôn trên biển. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm con đường thẳng tắp, một bên là cánh đồng, vườn chuối, rẫy khoai, còn một bên là con sông chảy xuôi rồi đổ ra biển rộng.
Chúng tôi không lên kế hoạch trước cho chuyến đi, vì theo lời Thư nói "Lên kế hoạch trước thường hay... gãy kèo". Vậy nên hôm trước vừa nói, hôm sau chúng tôi đã ra Ðá Bạc. Nắng dịu lại. Luân tấp xe vào lề đường mua chai nước, hỏi lại đường cho chắc. Dẫu sao đây cũng là tuyến đường mới mở, khiến chúng tôi bỡ ngỡ. Mấy năm trước tôi có đi Ðá Bạc một lần, nhưng đi bằng tuyến đường khác, xa hơn và quanh co hơn. Cô bán nước cười tươi, chỉ tay bảo chạy thẳng, gặp biển thì rẽ phải, sẽ tới được Ðá Bạc. Luân chạy trước, chở Thư. Tôi với Tuyết đi giữa. Sau cùng là Minh và Thơ. Trong nhóm, tôi thuộc hàng "già" nhất. Ði với những người trẻ, tự dưng tôi thấy mình phơi phới tâm hồn, cứ nghêu ngao ca suốt dọc đường.
Có lần tôi nghe Nam kể về Ðá Bạc. Trước kia Nam ở Ðá Bạc, nhà cạnh biển. Sau này Nam không còn ở đó nữa. Hồi mới xa quê thỉnh thoảng Nam lại bắt xe về bến cuối là bến xe Ðá Bạc. Vườn cũ giờ khác xưa. Nhà cũ cũng khác. Chỉ có biển muôn đời vẫn vậy. Quanh quẩn một lúc rồi bắt xe về thành phố. Dần dần về sau Nam không đi nữa, phần vì công việc bận bịu đầu tắt mặt tối, phần vì ở đó chẳng còn ai, nhìn cảnh cũ nhớ chuyện xưa lòng lại càng buồn thêm. Tất nhiên người ta rời quê cũng phải vì một lý do nào đó, nói như người xứ này là "cực chẳng đã". Nam cũng vậy! Tía Nam đi ghe rồi vì tai nạn mà vĩnh viễn nằm lại trên biển. Nam xót xa cùng cực. Có thời gian chiều nào Nam cũng ra Ðá Bạc ngồi nhìn về xa xôi tìm bóng dáng của tía.
Ðá Bạc là một cụm hòn nằm trên biển, cách đất liền không xa, nên người ta đã xây dựng chiếc cầu xi măng xuyên biển nối đất liền với Ðá Bạc. Ở Ðá Bạc, Nam có thể nhìn ra xa xôi trùng khơi, mường tượng tía trở về qua một cột sóng lớn dựng đứng. Mẹ Nam nói đó chỉ là ảo giác. Nhưng Nam thì cứ đinh ninh niềm tin như vậy. Dường như đó là đức tin quan trọng trong cuộc đời của chàng trai có nước da ngăm vị mặn mòi của biển cả.
Tôi không kể với Nam là tôi đi Ðá Bạc, cũng không nghĩ Nam sẽ về Ðá Bạc thời điểm này. Biển không động, nghĩa là không có cột sóng cao vút khỏi đầu người những khi Nam ngồi hàng giờ trên ghềnh đá nhìn về phương xa. Nhóm chúng tôi đi Ðá Bạc lần này trong tâm thế của những kẻ "rảnh rỗi sinh nông nỗi" - theo cách nói của giới trẻ bây giờ. Chỉ đơn giản là đổ đường tìm ra biển để ngắm hoàng hôn buông cho khuây khỏa đầu óc. Trên đường đi, tôi chợt nhớ những lời rủ rê cùng Nam ra Ðá Bạc để trải nghiệm vùng biển Tây Nam, xem Ðá Bạc khác gì so với muôn vạn hòn đảo lớn nhỏ ở vùng biển miền Trung nước mình, mà tôi đã dần quên lãng.
Chúng tôi sắp đến được Ðá Bạc. Xe liên tục qua cầu bắc ngang cửa sông, ngoài cửa có nhiều tàu biển neo đậu, sắc xanh lam, đỏ rực, đen nhánh... Tuyết reo lên: "Ðẹp quá! Ðẹp đến mê hôn" và cả nhóm chúng tôi đều đồng ý. Ðứng giữa hòn đảo lớn nhất trong cụm hòn ở Ðá Bạc, tôi nghe tiếng sóng biển. Luân và Thư đang say sưa chụp ảnh hay nói chuyện gì đó bên bờ sóng phía xa. Những người yêu nhau có muôn vạn câu chuyện để nói cho nhau nghe, kéo họ ngồi bên nhau đến khi mặt trời đỏ ửng như lòng đỏ quả trứng gà dần dần tiến về mặt biển. Tuyết mê mẩn ngắm cảnh, dường như quên mất tôi bên cạnh. Bỏ khoảnh khắc nào cũng tiếc. Bỗng có tiếng gọi lớn từ phía sau, tiếng gọi khiến cho cả nhóm đang bắt con cua đá dưới bãi đá nổi, giật mình quay lại:
- Khánh! Phải Khánh đó không?
Tôi bất ngờ:
- Nam?
Nam cười chạy đến. Vẫn nước da ngăm khỏe khoắn của một chàng trai được sinh ra và lớn lên bên biển. Chàng trai hiểu về đôi mắt trước mũi bất kỳ ghe, tàu nào ở xứ này, về hòn Ðá Bạc.
Tôi giới thiệu Nam và mọi người làm quen. Nam khoe:
- Sáng nay Nam đi thăm xóm lưới cũ. May quá, bà con vẫn nhận ra... Xóm giờ phát triển, nhà lầu, nhà tường nhiều hơn nhà tạm.
Tôi biết Nam thật lòng vui. Qua những câu chuyện của Nam từ hồi mới quen, tôi biết rằng đời sống của người dân xứ biển phải phụ thuộc vào tự nhiên. Có thể du khách đi biển để du lịch, thăm thú, thấy đẹp và chụp ảnh lưu niệm. Du khách thấy một con mắt lưới, một chiếc tàu biển đậu hờ hững trên bến... cũng tràn ngập thơ mộng. Nhưng với người xứ biển, đó là manh áo, chén cơm, là cả sự sống. Tôi và Nam cuốn theo những câu chuyện sau lâu ngày gặp lại mà quên để ý đến Tuyết.
- Tuyết đang nghĩ gì mà đăm chiêu dữ vậy? - Nam tinh tế nhận ra điều đó nên kéo Tuyết vào câu chuyện.
Tuyết cười, nhìn theo một cánh sóng đang đong đưa vào bờ đá:
- Tuyết đang nghĩ về cuộc sống và người xứ biển qua câu chuyện mà anh vừa kể. Tuyết muốn được một lần trải nghiệm để hiểu tận tường.
Tôi nói với Nam, Tuyết là cây bút trẻ, rất thích đi đây đó, trải nghiệm đời sống. Nam ồ lên và hứa với Tuyết khi có dịp sẽ đưa cô thăm thú biển cả và đời sống người dân xứ này. Tuyết gật đầu khe khẽ, đưa mắt nhìn ra biển xa. Cái lòng đỏ trứng gà kia đang sắp lặn xuống mặt biển, chỉ còn một chút nữa thôi. Bỗng tôi thấy Tuyết dịu dàng đến lạ. Biển cũng dịu dàng, sóng lặng, chỉ còn vô số những gợn nhẹ li ti. Biển màu đỏ thẫm, phía gần bờ nhạt hơn, màu loang loáng vàng. Ðá xanh rì trong bóng chiều chập choạng.
- Hoàng hôn rồi! Không lâu nữa mặt trời sẽ lặn - Tôi nói.
Nam nhìn Tuyết. Tôi nhìn Thơ, Minh, Luân và Thư.
Tôi vụt chạy đi. Mọi người cũng viện cớ để tản ra xa xa nhường không gian cho Nam và Tuyết ngắm vầng mặt trời đỏ ối đang chìm dần xuống mặt biển. Bầu trời đỏ rực. Biển đỏ rực. Ðường chân trời giờ chỉ còn là một ranh giới nhòe. Tôi không nghe được Nam và Tuyết nói gì, nhưng cũng không cần nghe, bởi đó là không gian của riêng họ. Dù chỉ mới gặp nhau, nhưng bầu không khí xung quanh họ giống như cặp đôi Luân và Thư vậy. Tôi tin rằng, hoàng hôn sẽ kết thúc một ngày, cũng là kết thúc những gì đã cũ trong lòng Nam và Tuyết, để rồi mở ra một điều gì mới mẻ, vui vẻ hơn.
Ðá Bạc chìm đắm trong hoàng hôn. Tàu về lững thững. Biển hiền hòa và dịu dàng.
Tôi ngồi trên phiến đá, chân chạm vào sóng, sóng trổ vào đá, muôn đời cùng nhau chẳng thể tách rời. Tôi nghĩ về mình. Về những bâng khuâng chưa tỏ bày. Giữ cũng chẳng để làm gì, chẳng còn ý nghĩa. Giá như đó là vật thể tôi sẽ đem nhấn xuống biển sâu. Nhưng không là vật thể thì tôi cũng sẽ trút sạch, khép lại những ngày đã cũ như hoàng hôn khép lại một ngày dữ hoặc lành. Lòng yên tĩnh như biển.
Cứ vẩn vơ nghĩ, ngoảnh lại, mặt trời đã chìm hẳn xuống lòng biển tự bao giờ, chỉ còn lại bóng tà dương màu đỏ.
Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy