12/01/2009 - 22:03

Ly hôn thời "tấc đất tấc vàng"

Trong số các vấn đề phát sinh khi những cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn, chuyện phân chia tài sản liên quan đến nhà cửa thường gặp rắc rối nhất và đối tượng gánh chịu thiệt thòi luôn là người phụ nữ. Thời gian gần đây, khi giá đất tăng cao thì mâu thuẫn này càng khó giải quyết. Bất chấp tình nghĩa, sự ràng buộc của con cái, không ít đôi đã đối xử với nhau cạn tàu ráo máng chỉ vì “tấc đất tấc vàng”.

Khi “U50” ra tòa

Cách đây không lâu, TAND quận Ninh Kiều xử một vụ phân chia tài sản giữa một cặp vợ chồng cùng tuổi 54, sau khi đã hòa giải 2 lần không thành. Gần 30 năm sống chung, không có con nên ông chồng hay tìm nguồn vui bên ngoài. Biết chồng có vợ bé nên chị vợ một mực đòi ly hôn. Ngày ra tòa, hai mái đầu đã bạc nhìn nhau bằng ánh mắt căm hờn, phân chia từng cái chén, con dao..., nhưng quyết liệt nhất là phần tranh chấp ngôi nhà trong hẻm. 30 năm chia ngọt sẻ bùi không còn gì trước những lời xúc xiểm, thóa mạ nhau. Ai cũng muốn giành phần phải về mình, đòi ở nhà trước để dễ bán, nhất quyết không chịu ra nhà sau nên lôi đủ tật xấu của đối phương ra bêu riếu. Luật sư tham gia bào chữa cho hai bên cũng một phen “sóng gió”. Cuối cùng, người vợ được chia ở phần nhà trước. Đi ngang mặt chồng, người vợ cười đắc thắng, người chồng hậm hực nói với theo: “Ở không yên đâu, tôi sẽ kiện tiếp...”.

Gần 60 tuổi nhưng ông L.T.H., ở phường Xuân Khánh vẫn còn sinh tật nhậu nhẹt về đánh chửi vợ con. Trong những lúc quá chén, ông nghe lời người ta cá độ bóng đá, chơi đề. Tiền bạc trong nhà ngày một vơi dần, ông lấy vốn từ tiệm tạp hóa do vợ quản lý chơi cá độ tiếp. Khi các con có công ăn việc làm ổn định, chu cấp hàng tháng cho cha mẹ, ông sinh thêm nhiều tật xấu. Vườn rộng, ông xúi vợ cắt đất bán lấy tiền gởi vào ngân hàng để dưỡng già. Nhàn rỗi, có sẵn tiền trong túi, ông H. bắt đầu theo mấy người bạn la cà quán xá, từ uống rượu cho vui dần dần đi đến nhà hàng có tiếp viên mới chịu. Trước ông chồng quá quắt, người vợ nộp đơn ly hôn, chia nhà thì mới hay ông chồng đã đem giấy tờ nhà đi cầm cố, còn số tiền gửi trong ngân hàng ông đã xài hơn phân nửa. Tức quá, bà vợ kêu bán nhà, chia đôi số tài sản. Khi ra tòa, ông H. còn trưng ra thêm một khoản nợ khá lớn mà ông đã vay mượn bên ngoài để đi chơi nhưng nói là mượn để làm ăn, người vợ phải cắn răng gánh chung. Sau phiên tòa, 4 đứa con đi với mẹ, còn ông H. sống một mình. Kết quả lần xử này đúng như ý ông mong muốn, ly hôn được với bà vợ, có tiền để tiếp tục bay nhảy. Nhưng ông đã đánh mất một thứ quý giá hơn, đó là mối tình nồng ấm gần 40 năm với người vợ chất phác, hết lòng vì chồng, và những đứa con bây giờ coi cha như người xa lạ.

Cũng vì muốn sống chung với vợ bé nên ông T.T.K., 56 tuổi, ở quận Cái Răng, cho luôn người vợ chính thức ngôi nhà đang ở để được bà đồng ý ly hôn. 3 năm sau, giá đất lên vùn vụt, ông quay ngược trở lại đòi nhà. Người vợ đã tốn rất nhiều công sức để chứng minh đó là tài sản của chồng cho mình lúc trước, giờ nó phải là của riêng mình, không thể chia đôi. Ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, người chồng đều bị tuyên thua nhưng ông không phục, đòi vợ thối lại tiền. Dĩ nhiên yêu cầu này cũng không được chấp nhận. Để trả đũa, ông và vợ sau thường xuyên đến nhà vợ trước gây hấn, mặc các con can ngăn. Chịu không nổi, người vợ phải bán nhà, chia cho chồng một phần tiền rồi dọn đi chỗ khác ở.

Học cách bảo vệ mình

Có nhiều nguyên nhân để những cặp vợ chồng lớn tuổi đã từng sống hạnh phúc, có người đã thành ông bà, phải đưa nhau ra tòa. Nhưng theo một luật sư của Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, người đã từng tham gia vào rất nhiều vụ tranh chấp tài sản giữa vợ chồng khi ly hôn, cho biết, nguyên nhân thường thấy nhất là có sự hiện diện của người thứ ba và vợ hoặc chồng vướng vào một thú vui nào đó không lành mạnh như rượu chè, bài bạc, đá gà... Cũng có không ít người thấy con cái đã trưởng thành nên muốn bay nhảy, tự do, bù đắp lại những tháng ngày khổ cực nên đã không điều chỉnh được hành vi của mình, đi quá đà. Kết quả là gia đình đổ vỡ. Giải pháp họ thường chọn là ly thân rồi tiến tới ly hôn, sau đó phân chia tài sản. Đây cũng là mối bận tâm lớn nhất của những cặp vợ chồng khi ra tòa. Nếu tự thỏa thuận được thì buổi xử ly hôn rất nhẹ nhàng, còn không thì xảy ra cãi cọ, có khi phát sinh thù hận, người thân không nhìn mặt nhau. Theo luật sư này, ông đã chứng kiến không ít vụ người chồng qua mặt vợ bằng cách phù phép trên giấy tờ, giả mạo chữ ký rồi đăng ký là tài sản riêng, có trước khi kết hôn, chứng minh tài sản vợ chồng đang có mua bằng nguồn tiền thứ ba nên không chia cho vợ, khi sự việc vỡ lở thì đã muộn, người vợ phải chịu thiệt thòi.

Một thẩm phán của TAND TP Cần Thơ chia sẻ: “Phần lớn các vụ ly hôn bắt nguồn từ đàn ông mà ra. Khi xử những án hôn nhân có tranh chấp, chúng tôi nghiên cứu hồ sơ rất kỹ để tìm cách bảo vệ quyền lợi của chị em, ưu tiên thuyết phục đôi bên hàn gắn. Những cặp lớn tuổi ra tòa ly hôn thường rất cương quyết, ít khi nào hòa giải thành. Vì sao không còn tình cảm, vì sao thắng thua, đó là những điều chúng tôi muốn phân tích để họ rút kinh nghiệm. Có người cái giường ngủ cũng đòi chia hai, một tấc đất cũng không nhường thêm cho vợ dù người vợ đứng ra nhận nuôi con, kinh tế khó khăn. Phụ nữ có điểm yếu là thu nhập ít hơn nên có tâm lý lệ thuộc chồng, khi nảy sinh va chạm kinh tế, ra tòa cũng để chồng định đoạt, không biết đòi và bảo vệ quyền lợi cho mình. Vợ chồng sống chung phải ứng xử văn hóa, ra tòa lại càng phải giữ thể diện cho nhau, đâu thể vì mối lợi vật chất mà đánh đổi tất cả”.

Theo các luật sư thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Cần Thơ, người vợ không nên đợi đến khi có chuyện mới cuống cuồng tìm cách giải quyết mà ngay trong thời kỳ hôn nhân đầm ấm cũng nên bàn với chồng về việc phân định tài sản rạch ròi để tránh các rắc rối về sau. Của chung thì cả hai cùng đứng tên, của riêng mỗi người tạo dựng cũng phải có bằng chứng rõ ràng. Đây là vấn đề tế nhị nên khi cư xử người vợ phải hết sức khéo léo. Đã có người vì quá chú tâm vào tài sản mà làm bạn đời bị xúc phạm, đòi ly hôn, tan vỡ hạnh phúc. Tốt nhất, người vợ nên nhờ chuyên viên tư vấn pháp luật trước khi thực hiện việc bảo vệ quyền lợi cho mình. Phụ nữ ở vùng quê không có điều kiện tiếp cận được với pháp luật trong hôn nhân gia đình, thường khi chuyện đã xong mới đi tư vấn. Có những trường hợp do không biết cách xử lý, nếu được tư vấn ngay từ khi sự việc phát sinh thì tránh được nhiều mất mát. Các cơ quan, đoàn thể đặc biệt là Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ phải tăng cường tuyên truyền pháp luật cho chị em về Luật Hôn nhân và Gia đình mà cụ thể như điều kiện kết hôn, ly hôn, tranh chấp tài sản, nuôi con ra sao... Cần phải truyền thông giáo dục sâu rộng để người phụ nữ ý thức được vai trò của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Hội Phụ nữ cần có những chương trình hành động thiết thực giúp đỡ chị em như tổ chức những cuộc hội thảo, chuyên đề để chị em hiểu rõ thêm về cuộc sống của chính mình để chủ động điều chỉnh các mối quan hệ vì quyền lợi của con cái, sự hạnh phúc và tiến bộ của bản thân.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết