25/04/2011 - 09:43

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Yemen?

* Tình hình Syrie tiếp tục căng thẳng

Dưới sự trung gian của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã chấp nhận ra đi trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này vẫn chưa thể kết thúc.

 Binh sĩ Yemen cùng tham gia biểu tình chống chính phủ hôm 24-4. Ảnh: AP

Theo báo Guardian của Anh số ra ngày 24-4, ông Saleh đã đồng ý đề nghị của các nhà trung gian GCC về việc từ chức trong vòng 30 ngày và chuyển giao quyền lực cho cấp phó. Đổi lại, ông Saleh và những người thân trong gia đình sẽ được miễn truy tố. Cụ thể, theo dự thảo mới nhất của GCC, Quốc hội Yemen sẽ thông qua cơ chế pháp lý bảo vệ ông Saleh tránh bị xét xử. Tổng thống Saleh sẽ đệ đơn từ chức lên quốc hội và chuyển giao quyền hành cho phó tổng thống, người sẽ quyết định tiến hành cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày. Đây là bước nhượng bộ mới của ông Saleh, vì trước đó ông tuyên bố sẽ làm cho tới hết nhiệm kỳ vào năm 2013.

Liên minh 7 đảng đối lập tại Yemen cho rằng trên nguyên tắc, họ tán thành đề xuất của GCC, nhưng với một số điều kiện. Người phát ngôn phe đối lập Mohammed Kahtan cho biết họ bác bỏ việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 7 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận, thay vào đó họ muốn trước tiên ông Saleh phải ra đi. Họ cũng phản đối việc trao cho quốc hội, vốn do đảng của ông Saleh chiếm đa số, quyền thông qua hoặc bác bỏ đơn từ chức của tổng thống.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thể giải quyết được những điểm khác biệt trên, tình hình Yemen cũng chưa thể ổn định ngay. Mohammed al-Sabri, một người phát ngôn khác của phe đối lập, cho biết nếu các đảng nhất trí, điều đó cũng không có nghĩa là các cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ nhanh chóng chấm dứt, bởi các đảng đối lập không phải là đại diện cho tất cả những người biểu tình đang tìm cách phế truất ông Saleh. Khaled al-Ansi, người phát ngôn cho phong trào thanh niên - một trong những nhà tổ chức chủ chốt của các cuộc biểu tình trên đường phố- tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào bảo vệ ông Saleh tránh bị truy tố cũng không thể được chấp nhận. Ông Saleh phải chịu trách nhiệm về các trường hợp người biểu tình thiệt mạng và tình trạng tham nhũng tràn lan. Ansi cho rằng sáng kiến của GCC thực tế đang vi phạm nguyên tắc cơ bản về tư pháp. Hàng ngàn thanh niên từ các tổ chức sinh viên đã biểu tình tại Thủ đô Sanaa để bày tỏ sự bất mãn với đề xuất của GCC. Làn sóng biểu tình chống chính phủ do phe đối lập phát động đã làm rung chuyển Yemen trong nhiều ngày qua, khiến gần 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

* Trong khi đó tại Syrie, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang đối mặt với sự bùng nổ mạnh mẽ phong trào chống chế độ. Hãng tin AP của Mỹ cho biết 2 nghị sĩ đã từ chức để phản đối các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh làm khoảng 100 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong hai ngày cuối tuần. Theo giới phân tích, việc hai nghị sĩ Nasser Hariri và Khalil Rigai, đều từ thành phố Daraa ở miền Nam, ra đi có thể chỉ mang tính chất tượng trưng vì Quốc hội Syrie không có thực quyền, nhưng hành động này có thể kích động các quan chức chủ chốt khác, như Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa, cùng xuất thân từ Daraa, từ bỏ chính quyền.

Rạng sáng hôm qua, mật vụ Syrie đã bố ráp nhiều ngôi nhà ở Thủ đô Damas sau khi người biểu tình trở nên quá khích. Hơn 220 người đã thiệt mạng kể từ khi biểu tình chống chính phủ nổ ra ở nước này hôm 18-3.

N. MINH (Theo Guardian, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết