Trong tuyên bố gây sốc ngày 4-2, Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ tiếp quản và phát triển kinh tế Dải Gaza sau khi người Palestine tại đây được tái định cư ở các nước khác. Ðộng thái này sẽ phá vỡ chính sách kéo dài nhiều thập niên của Mỹ đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo ngày 4-2. Ảnh: The White House
Muốn biến Gaza thành Riviera của Trung Đông
Tổng thống Trump đưa ra ý tưởng trên trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho biết ông không loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ để hỗ trợ tái thiết Gaza và biến dải đất này thành “Riviera của Trung Ðông”, tức nơi du lịch, sinh sống và làm việc của “người dân thế giới”.
Gaza là dải đất dọc bờ biển dài 45km và rộng 10km. Trong khi đó, Riviera là khu vực dọc bờ Ðịa Trung Hải kéo dài từ miền Ðông Nam nước Pháp tới Ðông Bắc nước Ý, nổi tiếng về khí hậu và cảnh quan tuyệt đẹp.
Ông Trump không nêu chi tiết về cách thức thực hiện quy trình tái định cư đối với khoảng 1,8 triệu người ở Gaza, cũng như thẩm quyền mà Mỹ sẽ sử dụng để “sở hữu dải đất lâu dài”. Tuy nhiên, đề xuất di dời người Palestine đúng với mong muốn của phe cực hữu Israel và trái ngược với cam kết của chính quyền tiền nhiệm Joe Biden.
Trước đó, Tổng thống Trump đã lặp lại lời kêu gọi Jordan, Ai Cập và các quốc gia Arab khác tiếp nhận người dân Gaza. Ông cho rằng người Palestine không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ dải đất hẹp này, nơi cần tái thiết sau gần 16 tháng xung đột tàn khốc giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Tuy nhiên, lần này ông Trump cho biết sẽ ủng hộ việc tái định cư “vĩnh viễn” người Palestine, vượt ra khỏi phát biểu trước đây vốn cũng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà lãnh đạo Arab.
Ai Cập, Jordan và các đồng minh khác của Mỹ ở Trung Ðông đã cảnh báo ông Trump rằng việc di dời người Palestine khỏi Gaza sẽ đe dọa sự ổn định của khu vực và có nguy cơ thổi bùng xung đột. Kế hoạch này cũng làm suy yếu nỗ lực trong hàng thập niên của Washington thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel - Palestine. Việc cưỡng bức di dời người dân Gaza có thể sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.
Hứng chỉ trích từ trong lẫn ngoài nước
Ðề xuất của ông Trump xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm liên quan thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas - Israel. Vì thế, giới quan sát cho rằng ông Trump có thể đang sử dụng chiến thuật đưa ra lập trường mạnh mẽ, thậm chí cực đoan, để dọn đường cho các cuộc đàm phán giai đoạn 2 của thỏa thuận vốn đã bắt đầu từ hôm 4-2.
Tuy nhiên, ý tưởng di dời người Palestine khỏi Gaza làm nhớ lại thời kỳ các cường quốc phương Tây vẽ lại bản đồ khu vực và di dời các cộng đồng dân cư mà không quan tâm đến quyền tự chủ của họ.
Do vậy ngay tại Mỹ, các đảng viên Dân chủ bày tỏ lo ngại trước đề xuất của ông Trump, trong khi một số đồng minh trong đảng Cộng hòa của ông tỏ ra hoài nghi.
Hạ nghị sĩ Jake Auchincloss của đảng Dân chủ phê phán đề xuất trên là “thiếu thận trọng, vô lý” và nó có thể phá hỏng giai đoạn 2 của lệnh ngừng bắn Israel - Hamas.
Trong thông báo ngày 4-2, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia khẳng định lập trường “kiên định và không lay chuyển” rằng nước này sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel nếu không có một nhà nước Palestine độc lập.
Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao của Hamas, lên án ý tưởng của ông Trump là kế hoạch “đuổi người Palestine khỏi vùng đất của họ”. Theo Zuhri, đó là công thức tạo ra sự hỗn loạn và căng thẳng trong khu vực vì người dân Gaza sẽ không cho phép những kế hoạch như vậy được thông qua.
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA ngày 5-2 dẫn lời ông Mousa Abu Marzouk, thành viên cấp cao trong cơ quan chính trị của Hamas, cho biết nhóm này sẵn sàng thiết lập liên lạc và đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Ông Marzouk giải thích rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đã trở thành điều cần thiết đối với Hamas vì Washington là nhân tố then chốt ở Trung Ðông.
Ðại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Riyad Mansour kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế cần tôn trọng nguyện vọng của người Palestine muốn ở lại Gaza. Ông Mansour khẳng định Gaza là quê hương của người Palestine và dù một phần của vùng đất này đã bị tàn phá, người Palestine vẫn lựa chọn trở về.
USAID rung chuyển
Ngày 4-2, một số cơ quan thuộc LHQ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về quyết định của Tổng thống Trump tạm dừng gần như toàn bộ viện trợ nước ngoài, nhấn mạnh rằng động thái này đang gây ra “tình trạng hỗn loạn” trong các hoạt động viện trợ nhân đạo của LHQ.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng rồi, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng viện trợ phát triển nước ngoài của Mỹ trong 90 ngày. Sau đó, chính quyền Trump đã ban hành lệnh miễn trừ đối với lương thực, thực phẩm và các loại viện trợ nhân đạo khác.
Ngoài sắc lệnh ký ngay sau khi nhậm chức, chủ nhân thứ 47 của Nhà Trắng cũng gây nhiều lo lắng với việc ngày 4-2 xác nhận kế hoạch đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đồng thời ký văn bản dừng hợp tác với một số tổ chức trong LHQ.
Hãng Reuters dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh đóng cửa các văn phòng nước ngoài của USAID và đang xúc tiến triệu hồi hàng ngàn viên chức trên khắp thế giới về nước. Trong khi đó, nhiều viên chức USAID tại trụ sở chính ở Washington cũng đã được yêu cầu tạm nghỉ hưởng lương vào chiều 4-2.
Loạt sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump xúc tiến việc sáp nhập USAID với Bộ Ngoại giao Mỹ và chính thức giải thể cơ quan này như là một thực thể độc lập. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa muốn đảm bảo hoạt động viện trợ phải tương thích với chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Là cơ quan viện trợ cho các chương trình y tế và khẩn cấp ở những khu vực nghèo nhất thế giới, USAID từ lâu đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều cơ quan và chương trình viện trợ của LHQ. Trong khi đó, Mỹ lâu nay cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho viện trợ nước ngoài của LHQ. Năm ngoái, Washington đóng góp khoảng 14 tỉ USD, tương đương 47% tổng ngân sách của LHQ dành cho viện trợ nhân đạo toàn cầu.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)