13/12/2016 - 20:34

Lockheed Martin gặp khó với chương trình sản xuất F-35

Hôm 12-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ trích chương trình sản xuất Tiêm kích Tấn công Kết hợp (JSF) F-35 của hãng Lockheed Martin quá đắt, nên muốn cắt giảm chi phí của chương trình này.

Vượt ngoài tầm kiểm soát

“Chương trình F-35 và chi phí vượt tầm kiểm soát. Hàng tỉ USD có thể và sẽ được tiết kiệm trong mua sắm quốc phòng và những hạng mục khác sau ngày 20-1 tới (thời điểm ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ)”- ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân, thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết giảm lãng phí trong chi tiêu liên bang khi tranh cử.

Sau Boeing, đến lượt Lockheed Martin bị ông Trump chỉ trích. Ảnh: WSJ

Tuy nhiên, trong khi Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain ủng hộ phát biểu của ông Trump, các nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội thừa biết chương trình sản xuất F-35 tạo ra hàng chục ngàn việc làm ở 45 tiểu bang của nước Mỹ, nên họ thận trọng với các kế hoạch cắt giảm của ông Trump. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal cho rằng ông Trump cần tìm hiểu thêm thông tin trước khi bàn chuyện “cắt giảm tùy tiện” chương trình F-35 bởi nó tạo ra 2.000 việc làm cho Pratt & Whitney (nhà chế tạo động cơ cho F-35) và hàng ngàn việc làm khác ở lãnh vực cung ứng thiết bị.

Theo Lockheed Martin, các công ty ở 45 bang liên quan đến việc sản xuất F-35 như Texas, Georgia, California, Arizona và Florida sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc thử nghiệm và lắp ráp các tiêm kích hiện đại này. Mỗi công ty phối hợp với hơn 1.200 nhà cung ứng nội địa để tạo ra hàng ngàn bộ phận từ những cảm biến cực kỳ phức tạp cho đến những phần của thân máy bay. Tổng cộng, chương trình F-35 tạo ra hơn 146.000 việc làm cho người Mỹ.

  Về phần mình, trưởng nhóm phát triển chương trình F-35 Jeff Babione cho rằng Lockheed Martin đã đầu tư hàng triệu USD để giảm đến 60% chi phí sản xuất máy bay so với dự tính ban đầu. Theo đó, giá dự kiến của một chiếc F-35 chỉ còn 85 triệu USD vào năm 2019 và 2020 (hiện nay là 102 triệu USD/ chiếc). Một khi giá động cơ và chi phí phát triển được tính vào, giá F-35 sẽ gần 138 triệu USD/ chiếc, theo Todd Harrison chuyên gia về ngân sách quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược. Các kế hoạch hiện nay là kêu gọi Chính phủ Mỹ “tậu” gần 2.500 tiêm kích F-35.

Các máy bay F-35 đã vướng phải một số vấn đề về kỹ thuật. Ông McCain từng gọi hợp đồng mua chiến đấu cơ F-35 với tổng chi phí lên đến 6,1 tỉ USD hồi tháng rồi của Lầu Năm Góc là “thương vụ sai sót” khi quyết định sản xuất F-35 trước khi hoàn tất khâu phát triển. Điều này đã buộc phải trang bị thêm các bộ phận mới và chi phí sản xuất F-35 bị “đội” lên đến 400 tỉ USD, trở thành thương vụ mua sắm khí tài đắt nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc. Loại máy bay sử dụng công nghệ tàng hình để “né” radar này hiện được sử dụng trong lực lượng Hải quân, Thủy quân Lục chiến và Không quân Mỹ.

Cắt giảm theo cách đặc biệt

Giải thích cho phát biểu của ông Trump hôm 12-12, Phó Giáo sư Jordan Tama tại Khoa Dịch vụ Quốc tế thuộc Đại học Mỹ (Washington) nói rằng: “Hiện có nhiều hợp đồng quốc phòng và các chương trình khác của chính phủ đã chi vượt ngân sách và có nhiều lý do để cắt giảm lãng phí. Vấn đề ở đây là ông Trump đang làm điều này theo cách hoàn toàn đặc biệt”.

Theo Tiến sĩ Tama, thay vì phụ thuộc vào các chuyên gia chính phủ để thực hiện những phân tích chi phí có hệ thống đối với nhiều chương trình và hợp đồng quốc phòng, ông Trump dường như đã bỏ qua công đoạn trên và đưa ra những bình luận riêng về các chương trình ngân sách “khủng”. Ông Trump sẽ đưa ra tầm nhìn dài hạn, sau đó hướng dẫn các quan chức quốc phòng để chắc rằng các ưu tiên chi tiêu phải khớp với những nhu cầu được dự báo trước nhiều thập kỷ.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AP, CS Monitor)

Chia sẻ bài viết